Brâu là một trong những dân tộc rất ít người, sinh sống tập trung ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) với dân số khoảng 655 người. Được sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, cuộc sống của đồng bào Brâu nơi đây đã có nhiều thay đổi, dần ổn định nơi ngã ba biên giới.
Xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, nơi có đông người Brâu sinh sống. Ảnh: Minh Nhật |
Thôn Đăk Mế nằm giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn, nổi bật là ngôi nhà Rông ngay vị trí trung tâm. Tiếp chúng tôi tại sân nhà Rông, ông Thao Lợi, Trưởng thôn Đăk Mế hồ hởi nói: “Người Brâu giờ đã khác xưa nhiều lắm! Được sự quan tâm của Nhà nước về điện, đường, trường, trạm, người Brâu đã có cuộc sống thuận lợi hơn, có hiểu biết hơn để làm kinh tế, nhiều hộ đã thoát nghèo”.
Nhà Rông là nơi sinh hoạt cộng đồng và diễn ra các lễ hội quan trọng của người Brâu. Ảnh: Minh Nhật |
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tỉnh Kon Tum đã có đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người Brâu. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Mỗi gia đình được hỗ trợ 25 triệu đồng làm nhà, mua cây - con giống để phát triển kinh tế. Được hướng dẫn kỹ thuật, người Brâu đã biết trồng các loại cây công nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm... để nâng cao thu nhập. Nhiều hộ đã thoát nghèo và trở nên giàu có. Điển hình như hộ gia đình ông Thao La hiện có 15 con bò, hơn 3,5 ha lúa nếp đen, 8 sào ao cá, 10 con dê…, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đến hết năm 2018, toàn thôn Đăk Mế chỉ còn 11 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo.
Người Brâu đã biết trồng lúa nước 2 vụ, trồng cây công nghiệp dài ngày và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Minh Nhật |
Chiêng tha là báu vật trong văn hóa của đồng bào Brâu. Ảnh: Minh Nhật |
Những người Brâu có uy tín thường xuyên vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tiếp cận các phương thức sản xuất mới…. Ảnh: Minh Nhật |
Ông Thao La, điển hình cho mô hình kinh tế gia đình của người Brâu, hiện có 15 con bò, hơn 3,5 ha lúa nếp đen, 8 sào ao cá, 10 con dê…, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Minh Nhật |
Cuộc sống vật chất được cải thiện, người Brâu giờ đây chú trọng hơn tới những giá trị văn hóa truyền thống. Độc đáo nhất là chiêng tha, hiện chỉ còn vài bộ và được gìn giữ, bảo vệ cẩn thận. Đối với người Brâu, chiêng tha không chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là thần linh, là tổ tiên, là báu vật. Mỗi khi chiêng tha lên tiếng sẽ đem đến những điều tốt lành, hạnh phúc cho cộng đồng. Những người Brâu có uy tín trong cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tiếp cận các phương thức sản xuất mới… để cuộc sống được ấm no và ổn định hơn. Theo ông Tống Thanh Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bờ Y, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến sự phát triển của người Brâu, qua đó góp phần bảo tồn, duy trì những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Hải – Minh Nhật
(DTMN)