Người bệnh lọc máu có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc COVID-19

Người bệnh lọc máu có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc COVID-19

Chiều 18/6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì buổi họp nhằm xây dựng hướng dẫn tổ chức hoạt động lọc máu tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong dịch COVID-19.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, trong đại dịch COVID-19, người bệnh lọc máu là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu mắc COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng trên bệnh lý nền, tình trạng suy giảm miễn dịch. Bộ Y tế đã ban hành nhiều tài liệu để chăm sóc và điều trị bệnh nhân thận như: Quy trình lọc máu theo Quyết định số 2482/2018; Quyết định số 1470/QĐ-BYT ngày 6/3/2021 về hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19…

Người bệnh lọc máu có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc COVID-19 ảnh 1Trong đại dịch COVID-19, người bệnh lọc máu là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ người bệnh lọc máu mắc COVID-19 diễn biến nặng và nguy kịch khoảng 16-20%. Năm 2020, tại Đà Nẵng, 46 người bệnh thận mắc COVID-19, trong đó có 26 người tử vong (chiếm 56,5%). Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã tiếp nhận và điều trị cho 38 người bệnh lọc máu mắc COVID-19, ghi nhận 12 người tử vong (31%).

“Thực tế tại Đà Nẵng cho thấy, nếu được chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo, tổ chức sàng lọc, phân nhóm người bệnh lọc máu, tổ chức, điều phối hoạt động lọc máu, có thể giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm, hạn chế nguy cơ diễn biến nặng và hạn chế số người bệnh tử vong”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện có khoảng 30.000 bệnh nhân lọc máu, trong đó bệnh nhân chạy thận nhân tạo là 28.000 và 2.000 bệnh nhân lọc màng bụng. Cả nước có 374 trung tâm thận nhân tạo và hầu hết các trung tâm nằm trong bệnh viện. Việc đảm bảo cung cấp dịch vụ lọc máu cho người bệnh lọc máu tại các cơ sở khám chữa bệnh cần sự tổ chức nhất quán và chuẩn bị sẵn sàng với sự phối hợp của nhiều bên liên quan.

Tại buổi họp, các chuyên gia đã bàn thảo về công tác tổ chức, quản lý hoạt động lọc máu trong phòng chống dịch COVID-19, xem xét thiết lập một đơn nguyên lọc máu tại phòng lọc máu cách ly của bệnh viện hoặc điều trị người bệnh chạy thận nhân tạo mắc COVID-19 tại đơn vị lọc máu thuộc Bệnh viện dã chiến; bố trí khu vực sàng lọc; đào tạo nhân viên, vật tư, trang thiết bị, máy móc, phương tiện…

Các chuyên gia đề nghị người lọc máu chu kỳ được ưu tiên tiêm vaccine, người nhà, người chăm sóc đi kèm cũng được ưu tiên tiêm vaccine.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, mục tiêu của hướng dẫn là đảm bảo an toàn cho người bệnh lọc máu các tuyến, do đó hướng dẫn phải khoa học, ngắn gọn, súc tích và thực tiễn...

Lê Hảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm