Các nhà khoa học đang tăng tốc phát triển các vaccine hiệu quả ngừa virus SARS-CoV-2 gây COVID-19. Mặc dù việc tiêm phòng COVID-19 đã giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong, nhiều ca nhiễm đột phá sau tiêm vẫn được ghi nhận.
Những ca nhiễm đột phá chủ yếu liên quan đến một số biến thể nhất định của virus SARS-CoV-2 như Beta, Delta và Omicron. Hiện vẫn chưa đủ dữ liệu về các nhân tố liên quan đến xu hướng nhiễm đột phá và hậu quả của xu hướng này đối với khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các ca nhiễm đột phá được cho là kết quả của các nhân tố liên quan đến vật chủ lẫn virus, ví dụ như các bệnh nhân có hệ miễn dịch kém sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn kể cả khi đã tiêm phòng.
Các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận các ca nhiễm đột phá, thậm chí cả sau khi phát hiện hoạt động trung hòa trong huyết thanh bệnh nhân vào thời điểm nhiễm virus. Những nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng dù hoạt động của tế bào lympho T đối với peptide (đoạn protein) của virus SARS-CoV-2 vẫn hiệu quả trước nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2, thì khả năng trung hòa đối với một số biến thể nhất định như Omicron lại suy giảm nghiêm trọng. Theo các nhà nghiên cứu, sự xuất hiện của các ca nhiễm đột biến trong số những người đã tiêm phòng đã trở thành hiện tượng phổ biến do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu được phạm vi và hiệu quả của các vaccine ngừa COVID-19 trước những biến thể nhất định.
Trong nghiên cứu đăng trên chuyên trang y khoa medRxiv, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng các phản ứng đặc hiệu của kháng thể sẽ thay đổi sẽ theo từng biến thể trong quá trình lây nhiễm sau tiêm vaccine. Nghiên cứu này có sự tham gia của 50 người từng mắc COVID-19. Họ đều là các ca lây nhiễm đột phá và có triệu chứng. Những người tham gia được chia theo bộ gene virus, tải lượng virus thông qua việc đo lượng kháng thể chống protein nucleocapsid và protein gai sử dụng Xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với Enzyme (ELISA), và các phản ứng kháng thể trong quá trình lây nhiễm đột phá và sau khi phục hồi.
Các nhà nghiên cứu đã lấy các mẫu bệnh phẩm dịch mũi và mẫu máu vào thời điểm nhiễm virus SARS-CoV-2, thường khoảng 4 ngày sau khi triệu chứng khởi phát. Họ tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân sau khi phục hồi, trung bình khoảng 17 ngày sau khi triệu chứng khởi phát. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu phẩm dịch mũi từ các ca nhiễm đột phá có lượng kháng thể chống protein gai giảm đi. Hơn nữa, lượng kháng thể trung hòa và kháng thể gắn kết tỷ lệ nghịch với tải lượng virus vào thời điểm lây nhiễm đột phá. Một điều thú vị là lượng kháng thể trung hòa được sinh ra để phản ứng với việc nhiễm biến thể phụ BA.1 của Omicron cao hơn là với Delta. Những phản ứng này của kháng thể đã không được ghi nhận khi nhiễm biến thể Delta.
Các kết quả này đã củng cố nghiên cứu trước đó, vốn cho thấy đối với những người chưa tiêm phòng, lượng kháng thể trung hòa tỷ lệ nghịch với tải lượng virus SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng những bệnh nhân chưa tiêm phòng có lượng kháng thể trung hòa thấp hơn 38 lần trước biến thể phụ BA.2, thấp hơn 25 lần trước Delta so với những người đã tiêm phòng các mũi cơ bản hoặc tăng cường. Chính vì vậy, khi những người đã tiêm phòng nhiễm biến thể Delta hoặc Omicron, họ có phản ứng kháng thể trung hòa mạnh hơn.
So với biến thể Delta, việc nhiễm Omicron đã dẫn đến phản ứng kháng thể mạnh nhất. Trong khi đó, nhóm những người nhiễm Delta đều không có hoạt động của kháng thể trung hòa trước các dòng phụ của biến thể Omicron.
Omicron đang ngày càng trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới, có khả năng né kháng thể sinh ra từ vaccine hoặc lần nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó, dẫn đến các ca nhiễm đột phá hoặc các ca tái nhiễm. Gần đây, các nhà nghiên cứu tiết lộ rằng biến thể phụ BA.2 của Omicron có thể sẽ thay thế BA.1 trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều nơi.
Trong số các biến thể được tiến hành phân tích, BA.2 có tỷ lệ kháng thể trung hòa thấp nhất. Những người nhiễm biến thể phụ BA.1 và đã tiêm phòng có kháng thể trung hòa mạnh hơn so với những người nhiễm Delta và đã tiêm phòng. Điều này cho thấy cần phải có chiến lược gắn với việc phát triển các loại vaccine được sử dụng tiêm tăng cường mà vẫn có thể duy trì hiệu quả trước một số biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Trong tương lai, cần có nghiên cứu sâu hơn để xác định khả năng duy trì phản ứng miễn dịch trước các biến thể hiện nay và trong tương lai của virus SARS-CoV-2.
Đặng Ánh