Theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch (MCRI) của Australia thực hiện, tình trạng dị ứng thực phẩm ở giai đoạn đầu đời có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và làm giảm sự phát triển của phổi khi trẻ 6 tuổi.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Child & Adolescent Health. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đối với 5.276 trẻ sơ sinh 1 tuổi ở thành phố Melbourne, thủ phủ bang Victoria của Australia. Những trẻ này đã được chích vào da để thử 4 chất gây dị ứng thực phẩm, bao gồm trứng, đậu phộng, vừng và tôm hoặc sữa bò, và được thử cho ăn trứng, đậu phộng và vừng.
Khi được 6 tuổi, 3.233 trong số 5.276 trẻ em nói trên đã hoàn thành đánh giá sức khỏe tiếp theo về dị ứng thực phẩm và chức năng phổi. Nghiên cứu cho thấy ở độ tuổi lên 6, 13,7% số trẻ tham gia thử nghiệm được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn. Trẻ bị dị ứng thực phẩm có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao gần gấp 4 lần khi được 6 tuổi so với trẻ không bị dị ứng thực phẩm. Những trẻ bị dị ứng thực phẩm đến khi 6 tuổi là những trẻ bị tác động nhiều nhất, trái ngược với những trẻ đã hết dị ứng trước độ tuổi này.
Nghiên cứu cho biết trẻ em bị dị ứng thực phẩm cũng có nhiều khả năng bị suy giảm chức năng phổi. Phó Giáo sư Rachel Peters tại MCRI giải thích rằng sự phát triển của phổi có liên quan đến chiều cao và cân nặng của trẻ. Trẻ bị dị ứng thực phẩm có thể thấp hơn và nhẹ cân hơn so với các trẻ cùng lứa tuổi không bị dị ứng.
Phó Giáo sư Peters cho biết thêm dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh, dù có được chữa khỏi hay không, đều có liên quan đến hệ hô hấp kém hơn và các vấn đề sức khỏe, ví dụ như bệnh tim ở tuổi trưởng thành. Bà đề nghị nên theo dõi sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh bị dị ứng thực phẩm và khuyến khích đưa trẻ bị dị ứng thực phẩm đến các chuyên gia dinh dưỡng chăm sóc nhằm đảm bảo trẻ có thể nhận được đủ dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.
Thanh Tú