Bổ sung lạc vào chế độ ăn của trẻ nhỏ có thể giúp giảm tình trạng dị ứng

Bổ sung lạc vào chế độ ăn của trẻ nhỏ có thể giúp giảm tình trạng dị ứng

Việc bổ sung lạc (đậu phộng) trong chế độ ăn uống của trẻ em từ khi còn nhỏ có thể giúp các em ngăn ngừa dị ứng đối với cây họ đậu.

Trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet, các nhà khoa học tại Đại học Dịch vụ y khoa Arkansas (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu đối với 146 trẻ bị dị ứng lạc trong độ tuổi từ 0 tháng tuổi đến 3 tuổi rưỡi trong vòng 2 năm rưỡi. Trong nhóm này, 96 trẻ được cho ăn bột protein lạc mỗi ngày, với liều lượng tăng dần lên tương đương với 6 hạt lạc. Nhóm trẻ còn lại được cho ăn yến mạch.

Kết quả cho thấy 20 trẻ được dùng bột lạc có tình trạng dị ứng thuyên giảm, có nghĩa là không gặp phản ứng dị ứng nào xảy ra sau 6 tháng sau khi liệu pháp kết thúc. Một trẻ trong nhóm dùng yến mạch có sự thuyên giảm. Sáu tháng sau khi điều trị, những em đã giảm bớt dị ứng có thể dung nạp một liều lượng tương đương 16 hạt lạc. Trong nhóm dùng bột lạc, có thêm 20 trẻ được coi là “giải mẫn cảm” – tức là có ngưỡng gây dị ứng cao hơn song chưa được coi là dị ứng đã thuyên giảm hẳn. Những trẻ này có thể dung nạp một liều lượng tương đương từ 6 đến 12 hạt lạc 6 tháng sau khi điều trị kết thúc. Những bé nhỏ tuổi nhất tham gia nghiên cứu có sự thuyên giảm rõ rệt nhất và kết quả tốt nhất là ở những bé dưới 12 tháng tuổi.

Các nhà nghiên cứu nhận định việc bổ sung dần dần các sản phẩm lạc cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh giúp cơ thể các em có khả năng chịu đựng tốt hơn khi tiếp xúc với những loại kháng nguyên gây dị ứng. Đồng tác giả nghiên cứu Stacie Jones cho biết: “Những can thiệp rất sớm có thể mang lại cơ hội tốt nhất để đạt được dị ứng thuyên giảm”.

Theo nghiên cứu, dị ứng lạc ảnh hưởng đến 2% trẻ em ở các nước phương Tây và có thể kéo dài suốt đời. Trẻ em bị ảnh hưởng phải tránh ăn lạc và luôn được chuẩn bị sẵn thuốc tiêm adrenaline để cấp cứu sốc phản vệ khi tiếp xúc với kháng nguyên gây dị ứng. Tình trạng dị ứng thậm chí có thể xảy ra khi một đứa trẻ tiếp xúc gần với ai đó vừa ăn lạc.

Lạc là một trong tác nhân phổ biến gây dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng có thể đe dọa tính mạng như sốc phản vệ. Hiện nay, dị ứng với lạc đang gia tăng ở trẻ em. Dị ứng với lạc thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với lạc, các dấu hiệu bao gồm sổ mũi; phản ứng ở da như nổi mề đay, đỏ hoặc sưng; ngứa hoặc ngứa ran trong hoặc xung quanh miệng và cổ họng; các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, co thắt dạ dày, buồn nôn hoặc nôn; co thắt cổ họng; khó thở hoặc thở khò khè. Trong đó, sốc phản vệ là phản ứng nguy hiểm nhất, có thể đe dọa tới tính mạng.

Phương Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm