Nghiên cứu chỉ ra cơ thể có miễn dịch trước dòng phụ BA.2 sau khi đã nhiễm dòng chính của biến thể Omicron

 Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Coacalco, Mexico. Ảnh: AFP/ TTXVN
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Coacalco, Mexico. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, hay còn gọi là "Omicron tàng hình", tiếp tục lây lan nhanh tại nhiều nước, các nhà khoa học cũng tập trung nghiên cứu nhiều hơn về dòng phụ này và mối liên hệ với dòng chính (đầu tiên) BA.1. Mới đây, chuyên trang khoa học Nature.com dẫn một nghiên cứu cho rằng việc nhiễm biến thể Omicron dòng chính BA.1 sẽ cung cấp miễn dịch trước dòng phụ BA.2.

Theo nghiên cứu này, khi đã nhiễm dòng BA.1 của biến thể Omicron thì khả năng miễn nhiễm trước dòng phụ BA.2 của biến thể này cũng rất cao. Dòng phụ BA.2 đang ngày càng lây lan rộng. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng BA.2 khó có thể gây ra một làn sóng dịch bệnh lớn trong những cộng đồng cư dân đã trải qua làn sóng dịch do dòng BA.1 gây ra. Nghiên cứu được đăng trên medRxiv và chưa qua đánh giá chéo.

Kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện từ tháng 11/2021, dòng BA.1 đã nhanh chóng trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, số lượng các ca mắc mới do nhiễm dòng phụ BA.2 bắt đầu tăng. Cả hai dòng này đều được cho là đã hình thành từ khoảng 1 năm trước, tức là vài tháng trước khi được các nhà khoa học phát hiện ra. Do hai dòng này có những khác biệt gene đáng kể nên các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu liệu việc nhiễm BA.1 có giúp tăng khả năng miễn dịch trước BA.2 hay không. Hồi đầu tháng này, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra BA.2 lây lan nhanh hơn BA.1 và nghiên cứu ở chuột cho thấy dòng này có thể gây bệnh nặng hơn BA.1, làm dấy lên lo ngại về làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

Để hiểu hơn về những thông tin này, Troels Lillebaek, một nhà dịch bệnh học phân tử tại Viện Serum Copenhagen và các đồng nghiệp đã bắt nghiên cứu tình hình tại Đan Mạch. Trong số gần 2 triệu người dân Đan Mạch được xác nhận mắc COVD-19 trong giai đoạn cuối tháng 11/2021 đến giữa tháng 2 vừa qua, có khoảng 1.739 người được coi là tái nhiễm (có kết quả dương tính lần 2 trong khoảng từ 20-60 ngày sau khi dương tính lần 1). Các nhà khoa học phân tích chuỗi gene của virus trong mẫu bệnh phẩm từ 263 bệnh nhân trong nhóm này và phát hiện ra rằng 47 người nhiễm dòng BA.2 sau khi nhiễm dòng BA.1. Trong khi đó, 140 người đã nhiễm dòng BA.2 sau lần nhiễm biến thể Delta. BA.2 bắt đầu lan rộng ở Đan Mạch từ đầu năm nay và hiện chiếm 88% số ca mắc tại nước này. Chuyên gia Lillebaek cho rằng làn sóng do dòng BA.1 đã củng cố miễn dịch trước làn sóng do dòng BA.2 và giúp ngăn chặn một thảm họa.

Chuyên gia sinh học tiến hóa Sarah Otto, tại Đại học Bristish Columbia ở Vancouver (Canada) cho biết những kết quả trên cũng trùng hợp với những nghiên cứu gần đây. Bà dẫn 2 nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy kháng thể bảo vệ trước BA.1 có thể bảo vệ tế bào trước nguy cơ bị BA.2 xâm nhập. Một nghiên cứu tại Anh về các trường hợp tái nhiễm hồi đầu tháng 2 cũng không phát hiện ca nào nhiễm BA.2 sau khi đã nhiễm BA.1. Chuyên gia Lillebaek cho rằng những kết quả nghiên cứu trên cung cấp thêm một nguồn thông tin tốt rằng việc tiêm phòng giúp bảo vệ trước biến thể Omicron, trong đó có cả dòng phụ BA.2. Phần lớn người tái nhiễm dòng BA.2 là người trẻ tuổi, chưa tiêm phòng.

Lê Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm