Nghị lực thoát nghèo của tuổi trẻ vùng biên Quan Sơn

Nghị lực thoát nghèo của tuổi trẻ vùng biên Quan Sơn

Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa phát động, nhiều thanh niên huyện biên giới Quan Sơn đã dùng ý chí, nghị lực, tận dụng những nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước vào thực hiện các mô hình phát triển kinh tế mới để thoát nghèo ngay tại quê hương.

Điển hình trong số đó có Anh Hà Văn Thương, sinh năm 1990, ở xã Trung Hạ, huyện biên giới Quan Sơn. Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Thái nghèo, anh luôn ấp ủ khát vọng làm được điều gì đó để gia đình thoát nghèo. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, anh đã đi xin việc khắp nơi, trải qua nhiều nghề nhưng vẫn không kiếm đủ tiền lo cho gia đình. Năm 2019, anh Thương quyết định về quê lập nghiệp. Nhận thấy lợi thế đất rừng rộng lớn, anh đã vay vốn ngân hàng, mua 500 con gà giống để thực hiện mô hình trại chăn nuôi gà thả đồi dưới tán rừng luồng.

Để gà phát triển tốt, anh đã đọc hỏi những người có kinh nghiệm, tích cực nâng cao kiến thức qua sách báo và tham khảo trên mạng internet. Lứa gà đầu tiên, anh nuôi đã thành công, tỷ lệ chết ít, thịt thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Từ đó, anh quyết định mở rộng mô hình, nuôi thêm lợn, dê, bò dưới tán rừng.

Đến nay, trang trại của anh đang nuôi 5.000 con gà an toàn, 10 con lợn nái, 10 con dê và bò sinh sản dưới tán 5 ha rừng luồng, sản phẩm được bán cho khách hàng trong tỉnh Thanh Hóa. Riêng vụ Tết năm 2022, khách hàng đã đặt cọc mua gần hết số gà của trang trại anh. Thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 250 triệu/năm. Anh luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động đoàn của địa phương.

Anh Ngân Văn Học, bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy cũng là một thanh niên dám nghĩ, dám làm. Sinh ra trong một gia đình nghèo, tốt nghiệp Trung học Cơ sở, anh phải nghỉ học để giúp mẹ làm đồi, làm ruộng. Mỗi khi vụ lúa thu hoạch xong, anh lại đi chặt luồng, chẻ vầu thuê cho các hộ dân trong xã để kiếm thêm thu nhập.

Năm 2015, anh Học quyết định vay vốn ngân hàng, người thân để đầu tư, thực hiện mô hình trồng dưa lưới, rau, quả an toàn. Để thực hiện mô hình này, anh Học đã mạnh dạn cải tạo 4 sào đất trồng luồng kém hiệu quả sang trồng dưa lưới và trồng rau màu chính vụ, trái vụ, bước đầu cho thu nhập mỗi năm khoảng 90 triệu đồng.

Tiếp đà thành công, anh Học đầu tư, mua đất của các hộ dân xung quanh, cải tạo, mở rộng diện tích sản xuất. Anh luôn chăm sóc các loại cây đúng kỹ thuật, bón phân, trừ sâu từng thời điểm, đồng thời xây dựng hệ thống nhà trồng dưa lưới, rau sạch áp dụng công nghệ tưới phun tự động. Nhờ chịu khó sản xuất, tới nay, mô hình này đang mang lại cho anh thu nhập 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Học còn là một thanh niên năng nổ trong các hoạt động Đoàn của xã; tích cực dẫn các thanh niên khác trong xã chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Lữ Anh Hướng, Bí thư Đoàn xã Sơn Thủy cho biết, anh Ngân Văn Học là người có nghị lực, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên khác trên địa bàn chuyển giao khoa học kỹ thuật để cùng vươn lên thoát nghèo.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Quan Sơn Phạm Đức Lương, huyện đang có 613 gia đình đoàn viên, thanh niên được vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số vốn hơn 30 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều đoàn viên đã có nguồn vốn xây dựng nhiều mô mình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, tạo việc làm cho hàng trăm thanh niên địa phương.

Thời gian tới, Huyện Đoàn Quan Sơn sẽ tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tạo điều kiện giao đất, giao rừng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm