Nghề nuôi ong "trên đá" ở Hà Giang

Nghề nuôi ong "trên đá" ở Hà Giang
Nghề nuôi ong lấy mật ở Cao nguyên đá bắt đầu từ cách đây rất lâu, có thể gọi đây là một trong những nghề truyền thống của vùng vì trước đây người dân trong vùng đã có thói quen nuôi khoảng 5 – 10 tổ ong trong nhà để lấy mật. Khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật phát triển nhộn nhịp nhờ đường xá nối giữa miền xuôi với miền ngược thuận tiện hơn. Đặc biệt, từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được Unesco công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, nhiều du khách đến tham quan đã giúp cho thương hiệu mật ong Bạc hà trở lên nổi tiếng. Đến năm 2013, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm “Mật ong Bạc hà”, bao gồm khu vực 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Công nhận chất lượng riêng có của mật ong Bạc hà, giúp nghề nuôi ong ngày càng phát triển. Hàng năm, cứ vào tầm tháng 10 –  tháng 11, được gọi là mùa mật ong Bạc hà, cũng là dịp du khách thường tới thăm quan cảnh sắc mùa hoa Tam giác mạch, hoa Cải, hoa Dền, hoa Bạc hà của Hà Giang và mang mật ong về làm quà.
Anh Cháng Thìn Lù, Giám đốc HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân (Quản Bạ) kiểm tra tổ ong của HTX.
Anh Cháng Thìn Lù, Giám đốc HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân (Quản Bạ) kiểm tra tổ ong của HTX.

Mật ong Bạc hà là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, song ít ai biết những người dân bản địa làm nghề chắt mật phải làm lụng vất vả, cần cù chịu khó, để duy trì nghề từ năm này sang năm khác. Đến thăm HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân ở thôn Thanh Long, được anh Cháng Thìn Lù, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Riêng nhà tôi làm mật ong đã hơn 10 nay rồi, các hộ khác trong thôn cũng nuôi ong từ 5 – 6 năm. Mình bắt đầu nghề từ khi đi học về liền nối nghiệp cha, ban đầu chỉ nuôi khoảng 15 tổ ong một năm thôi. Về sau nhu cầu mua mật của khách tăng lên thì vào lúc cao điểm nhà tôi nuôi đến 500 tổ ong”. Nghề nuôi ong nay đã khác xưa nhiều nhờ vào trình độ KHKT thay đổi, quy mô tăng lên, người dân địa phương không còn phải vào rừng tìm tổ ong về thuần hóa nữa mà duy trì đàn ong tại nhà.

Ở vùng đá khắc nghiệt là thế, song cũng có những mùa hoa cho đàn ong đi làm mật. Người nuôi ong cũng như “dân du mục” thay đổi địa điểm thường xuyên theo mùa hoa. Hàng năm, cứ đến mùa Xuân từ khoảng tháng 3 – tháng 4 là mùa tách đàn ong, tầm tháng 5, 6, 7, 8 là mùa thu mật. Đến tháng 8 hàng năm là mùa mật ong Bạc hà, cho đến tháng 11 là vụ Bạc hà cuối cùng cũng là lúc dồn đàn ong lại, giảm số lượng ong để tránh mùa Đông lạnh chờ mùa xuân đến. Anh Lù cho biết, nuôi ong phải chuyển nhiều địa điểm mới thu được mật, cứ đến tháng 9 –  tháng 10 là lúc anh chuyển đàn ong lên Đồng Văn để thu mật ong Bạc hà.

Nhìn vào sự phát triển của nghề nuôi ong hiện nay đang dần nâng cao về chất lượng và số lượng theo hướng hàng hóa. Giá mỗi lít mật ong thường vào khoảng 300 – 400 nghìn đồng/lít, mật ong Bạc hà tùy thời có thể cao hơn gấp đôi, đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ nuôi ong trong vùng. Trung bình, các hộ nuôi nhiều ong thu về từ 100 – 200 triệu đồng/năm, từ đó thoát nghèo bền vững.

 
Theo baohagiang.vn

Có thể bạn quan tâm