Bằng tình yêu nghề truyền thống cùng những nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa cổ truyền Việt Nam. Bà thổi hồn vào sản phẩm để đưa thương hiệu tơ tằm Việt phát triển không chỉ thị trường trong nước mà còn bay xa hơn trên trường quốc tế. Để ghi nhận những đóng góp của bà, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 9 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2021…
Có lẽ phải bắt đầu bằng từ duyên phận với nghề lụa của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận. Bà sinh ra và lớn lên tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) - một nơi có truyền thống lâu đời về nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Khi mà các em nhỏ mới bập bẹ chữ cái vỡ lòng thì bà đã được học, được biết đến các công đoạn của nghề dệt lụa. Đặc biệt, hình ảnh người bà, người mẹ hàng ngày kẽo kẹt bên khung cửi càng hun đắp cho tình yêu với nghề của bà.
Bé là vậy, đến lúc trưởng thành lập gia đình, chồng bà cũng là dân nhà nòi về tơ lụa. Điều này càng khiến cho ngọn lửa đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề lụa truyền thống thêm sục sôi… Hơn 60 năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, đã có những lúc bà trải qua khó khăn khi tơ lụa Việt truyền thống mất dần chỗ đứng, rồi nhiều gia đình phải bỏ nghề, kiếm kế mưu sinh. Song bằng tình yêu nghề, yêu sợi tơ, sợi chỉ đã giúp bà vượt qua hết, tự tìm hướng đi mới.
Trong quá trình gìn giữ và phát triển nghề lụa truyền thống, bà luôn đề cao cái tâm của người làm nghề chân chính đối với từng sản phẩm, nhất là việc truyền dạy cho thế hệ trẻ tại quê hương. Hằng năm, cứ dịp hè là bà lại tổ chức các lớp học nghề cho các cháu. Theo bà, đây là hoạt động rất có ý nghĩa, vừa tạo công ăn việc làm vừa giúp các cháu quen dần và hiểu thêm về nghề truyền thống của cha ông…
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận luôn đau đáu tìm ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, kết hợp tinh hoa giữa truyền thống và hiện đại. Chỉ với suy nghĩ là con tằm đã dệt cho mình cái kén thật đẹp thì tại sao không cho con tằm dệt ra những tấm chăn đẹp! Và thành quả đến thật bất ngờ, năm 2010, sáng kiến tằm tự dệt đã cho ra những sản phẩm đầu tiên và được mọi người đón nhận. Những chiếc chăn bông, gối cao cấp ra đời không chỉ người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác như: Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ…
Sự tài hoa, óc sáng tạo của bà không chỉ dừng lại ở những sản phẩm mới lạ, độc đáo mà còn được biết đến là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Năm 2016, cơ duyên đưa bà đến với sen cũng thật tình cờ khi đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về huyện Mỹ Đức tìm người tham gia đề tài nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Bà Khánh đến tận nhà nói chuyện, động viên bà tham gia nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” với sự hợp tác của Myanmar. Đề tài của Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Kinh tế sinh thái thực hiện tại thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Khi đó, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do bà Phan Thị Thuận làm Giám đốc được chọn để hợp tác cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sản xuất lụa tơ sen.
Cách đây chưa lâu, nằm trong khuôn khổ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), sản phẩm khăn lụa tơ tằm, chăn bông tơ tằm tự dệt và khăn lụa tơ sen của bà Phan Thị Thuận đã được huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao. Với kết quả này, Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương tiếp tục đánh giá, công nhận 03 sản phẩm trên đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp Quốc gia.
Bằng tình yêu nghề truyền thống, bà Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa cổ truyền Việt Nam. Bà thổi hồn vào sản phẩm, đưa thương hiệu tơ tằm Việt lên tầm cao mới không chỉ ở trong nước mà còn trên thể giới.
Thực hiện: Nguyễn Việt, Trần Việt, Nguyễn Điệp