Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Gieo “mầm sống” cho những bệnh nhân phong

Bác sỹ thăm hỏi, kiểm tra di chứng tàn tật cho bệnh nhân phong. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Bác sỹ thăm hỏi, kiểm tra di chứng tàn tật cho bệnh nhân phong. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”, hàng chục năm qua, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế tại Khoa Điều trị phong Ea Na (Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk) không chỉ chữa trị các tổn thương về thể chất mà còn trở thành điểm tựa tinh thần, giúp những người bị bệnh phong tìm lại niềm vui và hy vọng trong cuộc sống.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Gieo “mầm sống” cho những bệnh nhân phong ảnh 1 Bác sỹ thăm hỏi, kiểm tra di chứng tàn tật cho bệnh nhân phong. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Nụ cười lan tỏa hạnh phúc

Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong, bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng khoa Khoa Điều trị phong Ea Na, là người chứng kiến nhiều mảnh đời bệnh nhân từ quá trình tiếp nhận, điều trị và sinh sống trong Khoa Điều trị phong Ea Na.

Theo bác sĩ Trần Sỹ Tố, trước đây bệnh phong vẫn bị xã hội kỳ thị, bệnh nhân bị cộng đồng xa lánh cũng trở nên tự ti, khó giao tiếp, không tiếp nhận sự điều trị. Từ thập niên 90, việc điều trị bệnh phong có những chuyển biến tích cực khi có thuốc điều trị, cơ sở vật chất đảm bảo, đời sống của người mắc bệnh phong cũng dần được nâng cao.

Hiện tại Khoa Điều trị phong Ea Na có 30 bệnh nhân nội trú và 30 bệnh nhân ngoại trú. Mỗi bệnh nhân đến với khoa không chỉ mang trên mình những tàn tật do di chứng bệnh phong mà còn gánh chịu những tổn thương về mặt tinh thần khi bị xã hội kỳ thị, xa lánh.

Bác sĩ Trần Sỹ Tố chia sẻ: Bệnh phong là căn bệnh mà di chứng tàn tật sẽ gắn bó suốt đời với người bệnh, gây tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần nên phải dùng cái tâm của người thầy thuốc để chữa bệnh, động viên tinh thần, chia sẻ từng niềm vui, nỗi buồn, từ đó vực dậy nghị lực sống cho người bệnh.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Gieo “mầm sống” cho những bệnh nhân phong ảnh 2Điều dưỡng chăm sóc vết thương cho bệnh nhân phong. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Xác định được đặc thù của căn bệnh nên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Điều trị phong Ea Na luôn gần gũi bệnh nhân, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người bệnh và trở thành những người “tri kỷ”, để cùng giải quyết khó khăn trong cuộc sống, xoa dịu nỗi đau về tinh thần cho bệnh nhân.

“Đối với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Điều trị phong Ea Na thì nụ cười của bệnh nhân là hạnh phúc của thầy thuốc. Chính nụ cười ấy đã lan tỏa niềm hạnh phúc, trở thành nguồn động lực to lớn để họ ngày càng tận tụy, tâm huyết với sứ mệnh chăm sóc bệnh nhân. Có như vậy thì bệnh nhân mới yên tâm gửi gắm và sống vui vẻ trong Khoa Điều trị phong Ea Na đến hết đời”, bác sĩ Trần Sỹ Tố nói.

Trong đội ngũ y tế công tác tại Khoa Điều trị phong Ea Na, điều dưỡng viên H Rít Êban (sinh năm 1989) là một trong những người có sự đồng cảm sâu sắc và thấu hiểu nỗi khổ của người mắc bệnh phong.

Do trong gia đình có người mắc bệnh phong nên H Rít Êban từ nhỏ đã sinh sống và lớn lên tại Khoa Điều trị phong Ea Na. Từng chứng kiến những di chứng tàn tật nặng nề và tinh thần suy sụp của nhiều bệnh nhân phong nên lớn lên, H Rít Êban đã quyết tâm theo nghề y và viết đơn tình nguyện vào công tác tại Khoa Điều trị phong Ea Na từ năm 2016, để được chăm sóc, động viên và gắn bó với bệnh nhân phong.

H Rít Êban chi sẻ: "Căn bệnh đặc thù này cần sự chăm sóc đặc biệt nên tôi luôn tâm niệm và đối xử với bệnh nhân phong như những người trong gia đình. Lấy nụ cười của người bệnh làm niềm vui của bản thân mình, từ đó tôi không chỉ làm tròn trách nhiệm chuyên môn mà còn dồn tâm huyết chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần tốt nhất cho người bệnh”.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Gieo “mầm sống” cho những bệnh nhân phong ảnh 3 Bệnh nhân phong được chu cấp ăn uống đầy đủ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Gieo “mầm sống”

Với sự tận tình trong điều trị, chăm sóc của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Điều trị phong Ea Na, nhiều bệnh nhân phong đã tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, có thêm nghị lực và tìm lại ý nghĩa của cuộc sống.

Hơn 30 năm điều trị và sinh sống trong Khoa Điều trị phong Ea Na, bà H Ứ Ênuôl (44 tuổi) xác định đây chính là ngôi nhà thứ hai của mình.

Bà H Ứ Ênuôl mắc bệnh phong từ lúc hơn 10 tuổi. Thời gian đầu, thấy căn bệnh “ăn mòn” các bộ phận trên cơ thể, bà rất sợ hãi và suy sụp. Sau hơn 30 năm gắn bó với Khoa Điều trị phong Ea Na, nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sỹ, nên bà đã dần lấy lại được niềm vui của cuộc sống và quyết định sẽ sinh sống đến hết cuộc đời tại đây.

“Tại đây tôi được chăm lo về đời sống, thuốc thang và lại được bác sĩ, y tá quan tâm, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi buổi sáng thức dậy tôi có niềm vui là chăm sóc cây cảnh, tập thể dục trong khuôn viên của khoa, nhận được sự động viên của những người cùng mắc bệnh phong”, bà H Ứ Ênuôl cho biết.

Anh Y Nheo Rchăm - bệnh nhân được điều trị tại đây suốt 20 năm chia sẻ, anh may mắn không chỉ được các bác sĩ quan tâm điều trị, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống mà ở ngôi nhà chung “Trại phong Ea Na” mọi bệnh nhân đều tìm được niềm vui và cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

“Riêng bản thân tôi, mặc dù mang di chứng tàn tật của bệnh phong nhưng sức khỏe còn ổn định và lao động được nên hiện phân công canh tác, chăm sóc vườn rau sạch của trại phong. Thấy vườn rau do mình trồng trở thành món ăn ngon cho các bệnh nhân phong, tôi cảm giác rất vui mừng vì bản thân đã làm được những điều có ích”, anh Y Nheo Rchăm tâm sự.

Theo bác sĩ Trần Sỹ Tố, dù sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh phong hiện đã giảm đi nhiều nhưng những di chứng tàn tật sẽ luôn hiện hữu cùng người bệnh đến hết cuộc đời. Tuy nhiên, không vì vậy mà cuộc sống của bệnh nhân rơi vào bế tắc. Sự chăm sóc của đội ngũ thầy thuốc cùng sự đồng cảm, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ đã đem lại năng lượng sống tích cực cho người mắc bệnh này.

Có nhiều bệnh nhân mang theo cả gia đình đến sinh sống tại Khoa Điều trị phong Ea Na, con cái sinh ra được nuôi dưỡng đầy đủ, học hành căn bản. Thậm chí, tại Khoa Điều trị phong Ea Na đã có một tình yêu “kết trái” khi hai bệnh nhân mong muốn gắn bó với nhau trong phần đời còn lại.

Đó là ông Y Tloh Niê, sinh năm 1933 và bà H Chíp Niê, sinh năm 1945. Khi hai ông, bà đã tìm được tiếng nói chung tại Khoa điều trị bệnh phong và được bác sĩ Trần Sỹ Tố tác hợp, giúp về chung một nhà.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm