Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): Việt Nam đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới

Đến 18 giờ 40 phút, ngày 15/7, cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi  đã được đưa ra khỏi phòng mổ, kết thúc gần 12 giờ đồng hồ phẫu thuật tách rời. Ảnh: TTXVN
Đến 18 giờ 40 phút, ngày 15/7, cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi đã được đưa ra khỏi phòng mổ, kết thúc gần 12 giờ đồng hồ phẫu thuật tách rời. Ảnh: TTXVN

Trong 66 năm qua, ngành Y tế Việt Nam không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân mà còn có đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới. Trong đó, năm 2020 là một năm đặc biệt của ngành y tế Việt Nam với rất nhiều kỷ lục, ghi dấu ấn mới trên bản đồ y khoa thế giới khi thực hiện thành công ca ghép tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới, cùng nhiều ca ghép tạng đặc biệt...

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): Việt Nam đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới ảnh 1Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Suốt cuộc đời, Giáo sư Tôn Thất Tùng để lại 123 công trình khoa học có giá trị. Ông là tấm gương người thầy mẫu mực, trung thực, say mê khoa học, hết lòng yêu thương học trò, đã đào tạo một đội ngũ các thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn. Trong ảnh: Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng (bên trái) trong một ca mổ gan (1976). Ảnh: Nguyễn Chính - TTXVN

Năm 2020, ngành y tế Việt Nam không chỉ thành công trong phòng, chống COVID-19, mà còn đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực ngoại khoa, ghi dấu ấn mới trên bản đồ y khoa thế giới.

Phẫu thuật tách cặp song sinh dính liền vùng chậu cực kỳ hiếm gặp

Chào đời ngày 7/6/2019 tại Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh), Trúc Nhi và Diệu Nhi là cặp song sinh dính liền vùng bụng chậu cực kỳ hiếm gặp trên thế giới.

Sau hơn một năm chung sống trong cùng một cơ thể với muôn vàn những điều bất tiện không thể diễn tả hết bằng lời, Trúc Nhi và Diệu Nhi đã được khoảng 100 y, bác sĩ thực hiện ca mổ tách rời thành công, sau 12 giờ liên tục vào ngày 15/7/2020. Đây là ca mổ phức tạp thứ 2 mà ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sau ca mổ Việt - Đức 32 năm trước.

Hai em đã hồi phục sức khỏe và chức năng các cơ quan dần ổn định sau 84 ngày phẫu thuật. Ca mổ Trúc Nhi và Diệu Nhi đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận là "Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu cho cặp song sinh".

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): Việt Nam đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới ảnh 2

Đến 18 giờ 40 phút, ngày 15/7, cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi  đã được đưa ra khỏi phòng mổ, kết thúc gần 12 giờ đồng hồ phẫu thuật tách rời. Ảnh: TTXVN

Các chuyên gia nhận định đây là ca mổ tách hiếm và vô cùng phức tạp, bởi những ca song sinh dính bụng chậu như này chỉ chiếm 6%. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận định đây là một ca phẫu thuật "rất thần kỳ". Bà "rất xúc động" và cảm ơn đội ngũ y bác sĩ "đã chứng minh cho người dân cả nước cũng như cho thế giới thấy được sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam".

Ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới

Mở đầu năm 2020, các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á vào ngày 21/1/2020, đồng thời là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống. Đây là một mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành hiến ghép mô tạng Việt Nam.

Kíp mổ do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện vào ngày 21/1/2020. Sau 8 giờ thực hiện, ca ghép cẳng tay và bàn tay mới từ người hiến sống cho anh Phạm Văn Vương (31 tuổi) ở Thanh Trì, Hà Nội, bị tai nạn lao động mất 1/3 cánh tay trái, đã thành công. Bàn tay dần dần hồi phục, thích ứng với cơ thể mới, cử động và cầm nắm đồ vật chỉ sau 1 tháng ghép.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam: “Kỹ thuật ghép chi thể đứt rời rất phức tạp. Các nước tiên tiến đi trước chúng ta hàng chục năm nhưng cũng chưa bao giờ thực hiện được ca ghép chi thể từ người cho sống, vì hiếm có cơ hội chấn thương đứt rời chi vẫn đủ điều kiện để ghép lại”.

Có thể nói, ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống thực hiện thành công tại Việt Nam đã nâng tầm y khoa Việt Nam; đồng thời trở thành hy vọng của nhiều bệnh nhân bị đứt rời chi thể ở nước ta.

Chinh phục kỹ thuật khó nhất: ghép ruột từ người cho sống

Trong 2 ngày 27 và 28/10/2020, hai ca ghép ruột từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam đã được Bệnh viện Quân y 103 và Học viện Quân y thực hiện thành công. Đây là tạng cuối cùng trong cơ thể người được các bác sĩ Việt Nam chinh phục và cũng là một trong những kỹ thuật được cho là khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng.

Bệnh nhân đầu tiên là người dân tộc, 26 tuổi bị viêm phúc mạc và hoại tử gần như toàn bộ ruột non. Bệnh nhân thứ hai 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột nhiều lần. Cả hai bệnh nhân đều chỉ còn từ 20-80 cm ruột và ngày một suy kiệt. Nếu không ghép ruột, bệnh nhân sẽ tử vong.

Hai ca ghép ruột trên đã được thực hiện cách nhau 1 ngày. Ca ghép được thực hiện trong vòng 12 tiếng, với sự tham gia của hơn 100 y bác sĩ và sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản. Sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe của cả hai bệnh nhân đều tiến triển tốt, các chỉ số ổn định và không có dấu hiệu thải ghép. Hai người hiến tạng sức khỏe cũng ổn định.

Theo Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y: cơ thể người có 6 tạng quan trọng. Nếu bị suy mà không ghép thì bệnh nhân sẽ tử vong, đó là tim, gan, phổi, thận, tụy và ruột. Việt Nam đã thực hiện thuần thục các kỹ thuật ghép thận, ghép tim, ghép gan, ghép tụy và ghép phổi, cứu sống rất nhiều bệnh nhân. Và giờ đây, sau nhiều năm chuẩn bị, các chuyên gia của Việt Nam đã chinh phục được kỹ thuật ghép ruột - một trong những kỹ thuật ghép tạng khó nhất.

Như vậy, từ ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103, sau 28 năm, các y bác sĩ Việt Nam lại tiếp tục đạt được dấu mốc mới là ghép ruột thành công. Với thành tựu này, Việt Nam đã ghi tên mình vào danh sách 22 nước thực hiện được kỹ thuật ghép ruột thành công trên thế giới. Đây là thành công lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.

Kỷ lục điều phối, ghép tạng xuyên Việt

Năm 2020, các trung tâm ghép tạng lớn tại Việt Nam như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Huế… đều ghi dấu với những kỷ lục đặc biệt. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lần đầu tiên trong 13 ngày (từ ngày 30/8 đến ngày 12/9/2020) thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng, gồm 3 tim, 4 gan, 16 thận, trong đó 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não. Đặc biệt, có 2 ca ghép tim được thực hiện trong 2 ngày liên tiếp là 11 và 12/9/2020.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ca lấy, ghép đa mô tạng từ người cho chết não để cứu sống 6 bệnh nhân khác nhau vào ngày 16/9/2020. Sau 24 giờ chuẩn bị khẩn trương và trong suốt hơn 10 giờ tiến hành phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã huy động hơn 150 y bác sĩ cùng sự tham gia phối hợp chặt chẽ của Bệnh viện Phổi Trung ương, chuẩn bị 12 bàn mổ hoạt động đồng thời. Các bệnh nhân này đều được ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau ca ghép, sức khoẻ các bệnh nhân đều tiến triển tốt.

Ngày 2/12/2020, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã thực hiện ca điều phối, vận chuyển thận, tim và gan xuyên Việt từ người hiến bị tai nạn giao thông ở thành phố Vũng Tàu tới Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên các đơn vị điều phối ghép tạng tiếp nhận một ca hiến đa tạng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và vận chuyển tạng gấp rút tới cả 3 miền đất nước. Các ca ghép được thực hiện ngay trong đêm 2/12 và sáng 3/12/2020. Các bệnh nhân đều hồi tỉnh, rút nội khí quản và có thể tự thở sau phẫu thuật.

Can thiệp bào thai chưa từng có trong y văn thế giới

Trường hợp hiếm có này là của bệnh nhân Trần Thị Vân Anh (21 tuổi, ở Phú Thọ) đến viện ở tuần thứ 24 trong tình trạng hết nước ối, do vỡ tử cung. Sau khi hội chẩn, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh đã quyết định truyền ối vào buồng tử cung để cứu thai nhi.

Các bác sĩ đã truyền tới hai lần, đồng thời cho bệnh nhân dùng thuốc tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, tránh nhiễm trùng và để em bé có thêm thời gian phát triển. Với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thai nhi được giữ trong bụng mẹ thêm năm tuần. Vào tuần thai 31, khi bé trai nặng 1,5 kg và có dấu hiệu không tăng cân nên các bác sĩ quyết định mổ. Sau mổ, bé trai đã hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, vỡ tử cung là tai biến thường trực, tối cấp cứu trong sản khoa. Tuy nhiên, vỡ tử cung mà vẫn giữ được thai là trường hợp rất hiếm gặp và chưa từng thấy trong y văn thế giới. Đây là thành tựu của can thiệp bào thai - một trong những kỹ thuật cao nhất trong sản khoa thế giới. Đặc biệt, sản phụ không chỉ được cứu sống cả mẹ lẫn con mà còn được bảo tồn tử cung. Đặc biệt, bào thai được nuôi sống từ 600 gr đến 1.500 gr, đủ thời gian để trưởng thành phổi và sống tốt sau khi ra đời.

Có thể nói, năm 2020 là một năm thành công rực rỡ của ngành y tế Việt Nam. Đặc biệt trong số đó, phải kể đến những “lần đầu tiên” đầy ấn tượng, mang tầm quốc tế của nền y học nước nhà, khiến bạn bè trên thế giới phải ngưỡng mộ. Đây là những bước tiến mới, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của y tế Việt Nam, đồng thời mở ra hy vọng cho nhiều bệnh nhân hơn khi chữa trị những ca bệnh hiếm gặp và đặc biệt phức tạp.

Hoàng Yến (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm