Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh “cất cánh” - Bài cuối

Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh “cất cánh” - Bài cuối

Bài 4 - tiếp theo và hết: Tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19

Là địa phương đầu tiên trên cả nước ghi nhận có sự xuất hiện của dịch COVID-19, trong năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh gần như “dồn tổng lực” cho cuộc chiến cam go này. Ngành Y tế thành phố đã thực hiện hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp vào những thành công chung của thành phố và cả nước trong cuộc chiến này.

Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh “cất cánh” - Bài cuối ảnh 1Bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Dồn tổng lực chặn đứng dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, từ giữa tháng 1/2020, khi dịch bệnh này chưa xuất hiện tại Việt Nam, ngành Y tế đã tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm không để dịch bệnh lan nhanh trong cộng đồng.

Sau khi có hai ca mắc đầu tiên là bệnh nhân LiDing và LiZhichao (nhập cảnh từ Trung Quốc), Thành phố Hồ Chí Minh càng cảnh giác hơn với dịch bệnh này. Song song với chạy đua tìm ra phác đồ điều trị, Thành phố bắt đầu có các chiến dịch giám sát dịch tễ, kiểm soát cộng đồng bằng các khuyến cáo rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người.

Đặc biệt, khi trên địa bàn Thành phố xuất hiện các “ổ dịch” phức tạp, tinh thần “chống dịch như chống giặc” với phương châm 5 tại chỗ gồm: Lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, sinh khiết tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ được lãnh đạo Thành phố đề ra và thực hiện quyết liệt. Với phương hướng hành động dự báo sớm, phát hiện sớm và đủ người có nguy cơ lây nhiễm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch hợp lý, xử lý triệt để, Thành phố Hồ Chí Minh đã hạn chế được mức thấp nhất sự lây lan của dịch COVID-19 trên địa bàn.

Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp hơn khi số ca mắc và tử vong trên thế giới liên tục gia tăng, đây cũng là lúc Thành phố đối mặt với làn sóng “hồi hương” của người Việt từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Chỉ trong 2 ngày, Thành phố đã sắp xếp, bố trí hai khu cách ly quy mô lớn tiếp nhận hàng ngàn người nhập cảnh. Có những thời điểm, Thành phố dường như bị quá tải bởi làn sóng nhập cảnh ồ ạt.

Để đáp ứng nhu cầu, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo tổ chức thêm các điểm cách ly tập trung từ cấp thành phố đến quận, huyện. Trong giai đoạn đầu, Thành phố có 18 khu cách ly cấp thành phố và 24 khu cách ly quận, huyện với 17.820 giường; đã tiếp nhận 13.277 người từ các quốc gia đến/về Thành phố và từ cộng đồng dân cư trong quá trình giám sát dịch tễ.

Đến giai đoạn 2, khi Chính phủ đưa ra chính sách siết chặt nhập cảnh, số lượng khu cách ly đã dần được thu hẹp. Hiện, Thành phố có 12 khu cách ly tập trung cấp thành phố và 24 khu cách ly quận, huyện với 2.144 giường, sẵn sàng tiếp nhận người nhập cảnh và người có liên quan với những trường hợp nghi mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị 6 bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, quy mô 2.300 giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị hồi sức, cấp cứu, máy thở, phòng cách ly áp lực âm và sẵn sàng mở rộng khi đại dịch bùng phát và lan rộng. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh.

Trong từng giai đoạn, từng thời điểm, Thành phố đã tổ chức tầm soát xét nghiệm cho tất cả các nhóm nguy cơ tại cộng đồng như công nhân các doanh nghiệp sản xuất, nhân viên chế biến suất ăn công nghiệp, nhân viên nhà hàng, khách sạn lớn, khu dân cư có nhiều người nhiễm…; tổ chức tầm soát xét nghiệm đối với các hành khách và nhân viên tổ bay các chuyến bay quốc tế; tầm soát những người có nguy cơ và biểu hiện nghi nhiễm từ các tỉnh về bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ…

Từ đó, đã góp phần phát hiện sớm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đồng thời giúp người dân Thành phố an tâm hơn.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch COVID-19 là thành quả của sự “đồng tâm hiệp lực” của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, lực lượng công an, quân đội... Không đơn giản mà chỉ trong vài ngày ngắn ngủi chúng ta có thể bố trí được những khu cách ly tập trung cả ngàn người, chăm lo đầy đủ từ chỗ ở, bữa cơm, các vật dụng cần thiết…Đó là sự chung tay của nhiều đơn vị và trên hết là sự đồng lòng của người dân chính là chìa khóa để chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.

Những chiến sĩ quả cảm nơi tuyến đầu

Trong cuộc chiến với COVID-19, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế được xem là “chiến sĩ nơi tuyến đầu”. Họ dù chưa biết mức độ nguy hiểm của chủng virus mới như thế nào nhưng vẫn hết mình tìm mọi cách chữa trị cho người bệnh. Họ trong những bộ đồ bảo hộ kín mít đến nghẹt thở vẫn cần mẫn ra vào phòng bệnh mỗi ngày, dẫu mỗi lần đều toàn thân ướt đẫm. Họ, những con người lặng lẽ trong đêm, trong mưa nắng điều tra giám sát dịch tễ mỗi khi có ca nghi nhiễm mới… Không một lời thở than, không một chút nghi ngại, với những “chiến sĩ áo trắng”, cứu người và chặn đứng dịch bệnh là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả.  

Cảm động nhất là có những người xông lên tiền tuyến với lá đơn tình nguyện trên tay hay có người lên đường nhận nhiệm vụ ngay chỉ sau một cuộc điện thoại của cấp trên mà không kịp bàn thảo với gia đình, người thân. Có người cả mấy tháng ròng không được về thăm nhà dẫu cho nhà và bệnh viện chỉ cách nhau chưa tới 5 km.

Bác sĩ Lê Thanh Trúc, Liên Khoa Nội nhi, Bệnh viện huyện Củ Chi là ví dụ điển hình. Dù là con một nhưng chị vẫn quyết định tạm biệt người mẹ 80 tuổi của mình để tình nguyện tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Trong thời gian hơn 2 tháng thực hiện nhiệm vụ, dù nhà và bệnh viện rất gần nhau nhưng mình không thể về thăm má. Má rất lo nhưng mình luôn động viên má yên tâm bởi với bác sĩ, nhiệm vụ là phải cứu người”, Bác sĩ Trúc tâm sự.

Những ngày Thành phố tạm yên, những tưởng đội ngũ y bác sĩ được nghỉ ngơi sau những mệt nhoài thì các tỉnh miền Trung lại trở thành tâm dịch mới. Và không cần một lời hiệu triệu nào, hàng chục y bác sĩ từ thành phố mang tên Bác lại tình nguyện xin ra mặt trận với quyết tâm “bao giờ hết dịch mới trở về”. Gác lại gia đình, bỏ qua những hiểm nguy, các nhân viên y tế này đã nhanh chóng có mặt tại Quảng Nam, Đà Nẵng hỗ trợ đồng nghiệp.

"Đến đây và chứng kiến các đồng nghiệp phải vật lộn trong nhiều khó khăn để điều trị cho người bệnh, chúng tôi cảm thấy sự có mặt của mình thật sự có ý nghĩa”, Bác sĩ Nguyễn Phú Quốc, Bệnh viện Nhân dân 115, Trưởng Đoàn bác sĩ Thành phố Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng chia sẻ.

Với Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, 20 ngày "chia lửa" với đồng nghiệp ở Quảng Nam là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Anh tâm sự: “Dù trong 20 ngày ở đó, chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm nhưng mỗi lần chứng kiến giây phút bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện về nhà là một lần chúng tôi lại có thêm hy vọng”.

Đặc biệt, trong thời gian Bác sĩ Huỳnh Quang Đại đang kề vai sát cánh cùng đồng nghiệp ở tâm dịch, bố của anh lên cơn nhồi máu cơ tim phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp. Dẫu lo lắng cho người cha nhưng anh vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, “phó thác” sự an nguy của người thân cho các đồng nghiệp ở nhà.

Dù đất nước đã tạm yên khi gần 40 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, nhưng cùng với cả nước, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang trong tư thế sẵn sàng “nghênh chiến” bởi dịch bệnh nguy hiểm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài./. (Hết)

Đinh Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm