Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh “cất cánh”: Bài 1

Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh “cất cánh”: Bài 1

Trong giai đoạn 2015-2020, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với mục tiêu đem đến sự hài lòng cho người dân, thực sự trở thành trung tâm y tế lớn và hiện đại nhất khu vực phía Nam, đi đầu trong lĩnh vực điều trị và dự phòng; góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố.

Hướng đến Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết về những thành tựu, bước tiến trong chăm sóc sức khỏe người dân tại thành phố đông dân nhất cả nước này.

Bài 1: Xây dựng nền tảng vững chắc từ cơ sở

Đổi mới hoạt động các cơ sở y tế tuyến dưới là một trong những thành tựu quan trọng của ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Song song với các mục tiêu sức khỏe - dân số, y tế cơ sở tại Thành phố mang tên Bác đang từng bước “thay da đổi thịt” khi trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối.

Hoàn thành các mục tiêu sức khỏe - dân số

Là thành phố đông dân nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi có tình hình xã hội phức tạp nhất bởi số lượng lớn người dân nhập cư từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Thế nhưng, các chương trình mục tiêu sức khỏe - dân số luôn được triển khai đầy đủ và đạt chỉ tiêu tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn.

Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh “cất cánh”: Bài 1  ảnh 1Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp hội chẩn từ xa với bác sỹ Bệnh viện quận Gò Vấp. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Đáng chú ý có thể kể đến như vấn đề tiêm chủng mở rộng không phân biệt trẻ thường trú hay nhập cư luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, chiến dịch bổ sung vitamin A mỗi năm 2 lần, phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng, phòng, chống rối loạn do thiếu hụt i-ốt đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu…

Một số trạm y tế xã, phường đã bước đầu có các chương trình quản lý bệnh mạn tính không lây như: tăng huyết áp, đái tháo đường…Người dân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường được các bệnh viện tuyến trên chuyển về cho các trạm y tế nơi người dân cư trú theo dõi, quản lý.

Theo định kỳ, người dân sẽ được bác sỹ trạm y tế kiểm tra tình trạng bệnh, đưa ra lời khuyên, chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Một số phường, xã còn có các cộng tác viên đến tận nhà để đo huyết áp, đường huyết miễn phí cho người dân nhằm mục tiêu kiểm soát sức khỏe cộng đồng một cách chặt chẽ hơn. Đây là một trong những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu mà Thành phố đề ra, đến năm 2025, có 95% trạm y tế phường, xã quản lý được tất cả các bệnh không lây nhiễm.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi triển khai thực hiện tốt việc tiếp nhận, sàng lọc phát hiện và điều trị ba căn bệnh HIV/AIDS, giang mai và viêm gan B trên thai phụ phòng ngừa lây truyền qua đường mẹ con. Đây cũng là địa phương tiên phong trong việc triển khai khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV thông qua Bảo hiểm chi trả của cả nước và tiến gần hơn đến mục tiêu 90-90-90 (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp). Đến năm 2019, các mục tiêu của Thành phố đã được là 83 - 84 - 87 và dự kiến vào cuối năm 2020 sẽ đạt đến mục tiêu 90 - 90 - 90 theo Chương trình của Liên hợp quốc. Đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đạt các chỉ tiêu như có 20 bác sỹ/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân, mỗi trạm y tế phường, xã có từ 2 bác sỹ trở lên.

Một dấu ấn quan trọng không thể không nhắc đến trong năm 2019 là sự ra đời của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh theo xu hướng hội nhập quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống bệnh tật của Thành phố. Trong hai đợt dịch COVID-19 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh khi đã có nhiều hoạt động “đón đầu, chốt chặn” ở các địa điểm quan trọng, tổ chức thực hiện hiệu quả trong công tác phòng dịch, góp phần quan trọng đẩy lùi dịch COVID-19.

Thu hút bệnh nhân về tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên

Quá tải các bệnh viện tuyến trên là bài toán nan giải mà ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt. Trong nhiều năm liền, Sở Y tế Thành phố triển khai hàng loạt phương án giảm tải bệnh viện, quyết tâm kéo bệnh nhân về tuyến dưới.

Với sự chỉ đạo của Sở Y tế, các bệnh viện tuyến thành phố lần lượt đặt các phòng khám, khoa vệ tinh tại bệnh viện quận/huyện hoặc tham gia hỗ trợ toàn diện cho các bệnh viện quận/huyện còn hạn chế năng lực để giúp bệnh viện tuyến này hoạt động tốt hơn, tạo niềm tin cho người dân.

Song song đó, các bệnh viện quận/huyện được bổ sung nguồn nhân lực và đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp. Dần dần, người dân đã bắt đầu tìm đến bệnh viện tuyến quận/huyện nhiều hơn. Một số bệnh viện còn làm chủ được các kỹ thuật cao ngang hàng với các bệnh viện tuyến thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh còn là địa phương đầu tiên trên cả nước có bệnh viện tuyến quận/huyện được xếp loại bệnh viện hạng 1 (tương đương bệnh viện đa khoa tỉnh) với hàng ngàn lượt khám bệnh mỗi ngày. Trong vài năm trở lại đây, một số bệnh viện tuyến quận/huyện bắt đầu có dấu hiệu quá tải, phải xây dựng thêm các điểm khám bệnh vệ tinh như: Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện quận Bình Thạnh…

Cùng với kéo người bệnh về bệnh viện quận/huyện, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm đưa trạm y tế phường, xã thành những điểm “chia lửa” cho tuyến trên. Hàng loạt trạm y tế được “hồi sinh” theo Đề án đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình. 24 trạm y tế phường, xã được chọn làm trạm y tế điểm bắt đầu được bổ sung bác sỹ, trang bị máy xét nghiệm, siêu âm…chính thức trở thành những điểm khám bệnh được người dân tin tưởng.

Trạm Y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú là một ví dụ. Từ một trạm y tế chỉ đơn thuần thực hiện các chương trình mục tiêu y tế - dân số, tiêm chủng, phòng chống dịch…, từ năm 2018, Trạm Y tế phường Tân Quý đã bắt đầu đổi mới hoạt động, thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Bác sỹ Lâm Phước Trí, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Quý cho biết, với hai bác sỹ cơ hữu và một bác sỹ tăng cường từ Bệnh viện quận Tân Phú, hiện đơn vị này đang quản lý hơn 400 hồ sơ bệnh án các bệnh không lây của người dân trên địa bàn.

Trung bình mỗi ngày, trạm có khoảng 70 người dân đến khám bệnh, trong đó 50% là bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường. Bên cạnh đó, Trạm Y tế phường Tân Quý còn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và các bệnh viện chuyên khoa khác. Nhờ đó, các bác sỹ cũng tự tin hơn rất nhiều trong quá trình khám chữa bệnh cho người dân.

Cùng với đó là hàng loạt trạm y tế khác được đổi mới hoạt động nhờ các bệnh viện tuyến quận/huyện đưa bác sỹ về, đặt các phòng khám đa khoa vệ tinh, kết nối hỗ trợ tư vấn chuyên môn từ xa, mở các dịch vụ xã hội hóa ngay tại trạm y tế. Đối tượng được hưởng lợi rõ nhất là những người dân khi họ không cần phải lên tuyến trên xếp hàng chờ đợi để được khám bệnh. Khám bệnh tại trạm y tế vừa thuận tiện đi lại, vừa được hưởng nhiều lợi ích đi kèm.

Từ ngày được bác sỹ bệnh viện quận chuyển về trạm y tế theo dõi sức khỏe, việc khám bệnh của tôi đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều, đi lại gần, không cần phải chờ đợi. Bác sỹ cũng tư vấn khám bệnh rất nhiệt tình, thích nhất là bác sỹ nhớ rõ tình trạng của từng người, theo dõi sức khỏe của mình sát sao hơn”, bà Lê Thị Yến, ngụ khu phố 6, phường Tân Quý, quận Tân Phú nhận xét.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, y tế cơ sở đang từng bước khởi sắc và sẽ trở thành những “người gác cổng” hữu hiệu, góp phần không nhỏ giải quyết bài toán quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân./. (Còn tiếp).

Đinh Hằng

Bài 2: Khi bệnh viện “thay da đổi thịt”

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm