Bài 3: Đột phá kỹ thuật chuyên sâu hướng đến y tế thông minh
Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cải tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiên phong áp dụng các khoa học kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, làm chủ công nghệ hiện đại cũng như làm hài lòng người bệnh là mục tiêu mà ngành Y tế Thành phố hướng tới trong xu thế hội nhập quốc tế.
Hình thành nhiều trung tâm y tế chuyên sâu
Cùng với phát triển hệ thống y tế cơ sở vững chắc, tại Thành phố Hồ Chí Minh đang dần hình thành các trung tâm chuyên sâu để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân Thành phố và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Có thể kể đến như các trung tâm chuyên sâu về ghép tạng gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bình Dân…
Bên cạnh đó là các trung tâm chuyên sâu về tim mạch như: Viện Tim, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện quận Thủ Đức. Các trung tâm chuyên sâu về điều trị chấn thương chỉnh hình, chấn thương sọ não, u não như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình…Hay các trung tâm chuyên sâu trong điều trị đột quỵ mà đi đầu là Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất… Trong lĩnh vực ung thư, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy là những địa chỉ tin cậy cho người bệnh.
Để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, các đơn vị này đã không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại mà tiêu biểu là các hệ thống phẫu thuật robot được nhiều bệnh viện đưa vào sử dụng mang lại lợi ích cho người bệnh. Đầu tiên phải kể đến hệ thống robot phẫu thuật Da Vinci của Bệnh viện Bình Dân.
Từ tháng 12/2016, đơn vị này đã đưa robot phẫu thuật Da Vinci vào hoạt động và đến nay đã thực hiện phẫu thuật gần 1.000 trường hợp. Hiện, phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân đã trở thành phẫu thuật thường quy với 18 ê-kíp phẫu thuật robot được đào tạo tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore...
Nhiều trường hợp bệnh khó đã được phẫu thuật thành công với sự trợ giúp của hệ thống robot phẫu thuật. Sau thành công của Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đầu tư robot phẫu thuật Da Vinci để phục vụ người bệnh. Dù ứng dụng muộn hơn nhưng phẫu thuật robot đã được sử dụng hiệu quả cho các bệnh nhân ung thư và ghép tạng.
Một ứng dụng kỹ thuật mới khác được Bệnh viện Nhân dân 115 đưa vào áp dụng hiệu quả trong thời gian qua là phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ. Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên của cả nước đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo vào hoạt động khám chữa bệnh. Sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí mạch máu bị tắc, định lượng được vùng não chết và vùng não cần cứu chữa, tái thông sớm.
Bước đầu, tại Bệnh viện Nhân dân 115, có khoảng 49% người bệnh nhồi máu não được cứu chữa sau 6 giờ nhờ phần mềm RAPID thay vì chỉ có 19% như trước đây. “Ứng dụng phần mềm RAPID là cứu cánh cho những người bệnh bị đột quỵ đến bệnh viện trễ sau 6 giờ và nhóm này gặp rất nhiều ở Việt Nam khi mà điều kiện cấp cứu, thông tin truyền thông, kiến thức của người dân, phương tiện giao thông còn một số hạn chế”, Bác sĩ Nguyễn Đức Khang, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ.
Tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, xạ trị định vị thân vận hành trên hệ thống máy xạ trị hiện đại thế hệ mới cũng trở thành kỹ thuật mới được ứng dụng hiệu quả. Kỹ thuật này có thể dò tìm vị trí chuyển động của bướu để phát tia xạ trị một cách chính xác vào đúng vị trí bướu, giảm bớt thể tích xạ trị vào những cơ quan quý xung quanh bướu của người bệnh.
Hướng tới y tế thông minh
Song song với các ứng dụng thiết bị công nghệ cao trong phẫu thuật, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến xây dựng nền y tế thông minh. Điển hình trong đó là xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử của ngành Y tế gồm: Dữ liệu về chứng chỉ hành nghề y, giấy phép hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, dữ liệu về danh mục kỹ thuật của các cơ sở y tế và kê khai giá...
Bên cạnh đó, nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, Sở Y tế đã xây dựng ứng dụng “Tra cứu nơi khám, chữa bệnh”, đăng ký khám qua mạng, qua tổng đài 1080; mô hình tự đăng ký khám bệnh, tự tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, thanh toán điện tử, triển khai Ki-ốt “Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh”… tại hầu hết các bệnh viện.
Một ứng dụng khác được áp dụng trong thời gian gần đây được đội ngũ y bác sĩ hưởng ứng là ứng dụng telemedicine giúp bác sĩ tuyến dưới “hội chẩn”, tham khảo ý kiến của bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên trong quá trình khám chữa bệnh. Các trạm y tế phường, xã được trang bị ứng dụng teleconsultation để kết nối với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện quận/huyện hoặc bệnh viện thành phố.
Theo sự phân công của Sở Y tế, mỗi bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành của thành phố sẽ đảm trách tư vấn từ xa cho các bác sĩ của trạm y tế theo địa bàn. Mỗi trạm y tế đều có danh sách các bác sĩ chuyên khoa cùng với “đường link” được tạo sẵn trên máy tính và điện thoại di động để dễ dàng kết nối khi có nhu cầu.
Ứng dụng teleconsultation được xem là một công cụ kết nối từ xa hiệu quả cho hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. Công cụ này không chỉ “kết nối 2”- kết nối giữa bác sĩ của trạm y tế và bác sĩ tuyến trên, mà còn là “kết nối 3” - kết nối bác sĩ trạm y tế, người bệnh và bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện tuyến trên. Sự kết nối này giúp các bác sĩ của trạm y tế cảm thấy tự tin hơn khi khám, chữa bệnh cho người dân, đồng thời người bệnh cũng an tâm hơn rất nhiều.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị các thiết bị tiên tiến, hiện đại vào hoạt động khám chữa bệnh nhằm mục đích cuối cùng là tối ưu hóa quá trình khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và hướng đến sự hài lòng của người bệnh./. (Còn tiếp)
Đinh Hằng
Bài cuối: Tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19