Nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ vùng biên Lai Châu

Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xuống các bản tuyên truyền cho bà con về chính sách y tế, phòng chống bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN
Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xuống các bản tuyên truyền cho bà con về chính sách y tế, phòng chống bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Xác định việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ vùng biên Lai Châu ảnh 1 Cán bộ y tế Trạm Y tế xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xuống các bản tuyên truyền cho bà con về chính sách y tế, phòng chống bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

 Vươn lên phát triển kinh tế

Xã biên giới Vàng Ma Chải là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Xã có hai dân tộc sinh sống chủ yếu là Dao và Hà Nhì. Nhiều năm qua, được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, các hội viên phụ nữ của xã đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, tập trung phát triển kinh tế.

Chị Phàng Thị Nhừ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vàng Ma Chải cho biết: Xã có 7 chi hội phụ nữ với hơn 400 hội viên. Trước đây, do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng khó khăn và nhận thức hạn chế, nhiều phụ nữ trong xã đã bỏ ruộng nương để xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới làm thuê. Cùng đó, nhiều phong tục tập quán, hủ tục của đồng bào vẫn còn tồn tại như tảo hôn, sinh con thứ 3, phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình, không được tham gia các hoạt động cộng đồng…

Đứng trước những hạn chế, khó khăn và bất bình đẳng, chị Nhừ trăn trở suy nghĩ làm sao để người phụ nữ thay đổi cuộc sống và làm chủ cuộc sống. Theo chị, muốn vận động người khác làm theo, chị phải là người tiên phong. Ngoài công việc chuyên môn, tranh thủ thời gian rảnh, chị chăn nuôi gà, chim bồ câu và trồng cây ăn quả... để tăng thêm thu nhập. Đồng thời, chị cùng hội viên trong Hội Phụ nữ xã thường xuyên đến các hộ gia đình tuyên truyền phụ nữ tập trung phát triển kinh tế, hạn chế sinh con thứ 3...

Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải và Công an xã tuyên tuyền, vận động chị em nâng cao cảnh giác với âm mưu thủ của những kẻ buôn bán người. Mưa dầm thấm lâu, phụ nữ trong xã Vàng Ma Chải đã từng bước nâng cao nhận thức, dần thực hiện tốt các chính sách pháp luật, thay đổi nếp sống. Đến nay, các trường hợp xuất cảnh trái phép, sinh con thứ 3 của xã đều giảm.

Chị Phàn Sử Mẩy (sinh năm 1997, dân tộc Dao ở bản Nhóm 2, xã Vàng Ma Chải) chia sẻ, nhờ Hội Phụ nữ xã vận động, tuyên truyền, gần 60 phụ nữ trong bản không ai xuất cảnh trái phép và sinh con thứ 3. Chị luôn thực hiện đúng quy định pháp luật, thường xuyên tham gia các hoạt động do Hội phát động.

Trong phát triển kinh tế, xã Vàng Ma Chải đã xuất hiện nhiều gương điển hình phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi. Điển hình là chị Tẩn Lở Mẩy, bản Nhóm 2, với mô hình nuôi thỏ từ giữa năm 2020. Đến nay, chị có 15 lồng với hơn 50 con thỏ. Chu kỳ 2 tháng, chị xuất bán một lứa, với giá 130.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, chị bán được gần 15 triệu đồng. Ngoài nuôi thỏ, chị kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trồng ngô, sắn, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình từ 70-90 triệu đồng.

Đẩy mạnh tuyên truyền ở cơ sở

Nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên trong việc thực thi pháp luật, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Phong Thổ đã tập trung các giải pháp để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến từng phụ nữ.

Xã biên giới Mù Sang, huyện Phong Thổ có 10 chi hội với hơn 450 hội viên. Hàng năm, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… đến 100% hội viên. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mù Sang Tẩn Thị Dở cho biết: Nhằm giúp chị em có khả năng tự bảo vệ bản thân trong gia đình và ngoài xã hội, Hội không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ tại các bản. Hội còn chủ động phối hợp với cán bộ Tư pháp xã, Đồn Biên phòng Dào San tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo từng đợt với nhiều hình thức.

Bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Thổ cho biết: Toàn huyện có 17 cơ sở hội, 171 chi hội với gần 12.200 hội viên; 26 báo cáo viên và 229 tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở. Hội Phụ nữ Phong Thổ đã tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật; chủ động phối hợp với cơ quan Tư pháp các cấp, ban, ngành tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên và báo cáo viên…

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, Hội Phụ nữ huyện Phong Thổ đã tạo bước chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức giáo dục tại cơ sở. Đến nay, Hội duy trì được 51 câu lạc bộ sinh hoạt như: Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; phụ nữ không sinh con thứ 3; phòng, chống buôn bán phụ nữ - trẻ em ... với 1.800 thành viên tham gia. Từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phong Thổ tổ chức gần 100 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 10.000 lượt cán bộ, hội viên và phụ nữ.

Thời gian tới, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Phong Thổ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng những hoạt động hiệu quả, thiết thực; tiếp tục kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo về số lượng và chất lượng; nắm tâm tư, nguyện vọng của các hội viên phụ nữ vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời giải quyết.

Việt Hoàng - Đinh Thùy

TTXVN

Có thể bạn quan tâm