Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Yên

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Yên
Phong phú tài nguyên du lịch

Với chiều dài 190km bờ biển, Phú Yên sở hữu số lượng bãi biển có giá trị khai thác du lịch rất cao, với gần 30 bãi tắm lớn, nhỏ. Nét chung của hầu hết bãi tắm ở đây là có sự kết hợp giữa núi non và biển cả, tạo nên phong cảnh “sơn thủy hữu tình”.

Thêm vào đó, những ngọn núi cao của dãy Trường Sơn nối tiếp nhau chồm ra biển tạo nên những địa hình khúc khuỷu quanh co, nhiều đầm, vịnh mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú. Trong đó có vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan… là những địa danh nổi tiếng thế giới, có tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch, nhất là các loại hình tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái.

Phú Yên còn là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hoá với nhiều di tích, địa danh gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử. Đến nay, tỉnh có 19 di tích cấp quốc gia và 37 di tích cấp tỉnh. 
 
Ghềnh đá đĩa - vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời của Phú Yên. Ảnh: internet
Ghềnh đá đĩa - vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời của Phú Yên. Ảnh: internet

Phú Yên cũng có nhiều lễ hội gắn với cư dân vùng biển, nhiều làng nghề truyền thống… Đó đều là những điểm hấp dẫn, giúp cho Phú Yên trở thành điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước. 

Nhờ vậy, tỉnh đã có gần 30 dự án du lịch trong và ngoài nước sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư đăng ký là gần 46.000 tỷ đồng.

Năm 2016, khách du lịch đến Phú Yên gần 1,2 triệu lượt, đạt 117,5% kế hoạch năm, tăng 30,6% so với năm 2015; tổng doanh thu khoảng 997,5 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm. 

Để xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, ngành du lịch Phú Yên cũng bộc lộ những hạn chế. Đó là kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là hạ tầng giao thông; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa hiệu quả; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng; hoạt động dịch vụ tại các điểm đến còn kém; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, trong khi một số doanh nghiệp lĩnh vực du lịch chưa chú trọng đến công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Để du lịch thật sự phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh, trong thời gian tới, Phú Yên tập trung quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng, làm cơ sở kêu gọi đầu tư cho du lịch phát triển; chủ động hơn nữa, nhất là trong xây dựng các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; lập danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư du lịch trong 5 năm tới và các năm tiếp theo. Đặc biệt, trong các chủ trương, giải pháp của tỉnh đưa ra trong năm 2017, Phú Yên sẽ tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch để khai thác, phát triển và không ngừng bứt phá vươn lên. Trong đó đặt mục tiêu: đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp”, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên-Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ những ngày đầu năm 2017, UBND tỉnh và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Yên đã phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung bắt tay tiếp tục cho công tác lập quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Hiện tỉnh đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập quy hoạch Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài gắn với khu vực bãi biển Từ Nham, ghềnh Đá Đĩa; lập quy hoạch đầu tư khu vực Bãi Môn - Mũi Điện - Vũng Rô…
Phú Yên cũng đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các danh thắng, di tích phục vụ du lịch như: Ghềnh Đá Đĩa, khu di tích Tàu không số Vũng Rô, khu danh thắng Bãi Môn - Mũi Điện, Công viên văn hóa núi Nhạn, đường đi bộ ven biển thành phố Tuy Hòa... Nghiên cứu hình thành và nâng cao chất lượng một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Yên, trong đó sẽ lấy du lịch biển đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hoá là nền tảng và hình thành các tour du lịch chuyên đề về tham quan, nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, làng nghề.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng chiến lược marketing du lịch Phú Yên, trong đó sẽ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, nhất là quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. UBND tỉnh đặt ra kế hoạch là tăng bình quân trên 17% lượt khách du lịch/năm, trong đó khách quốc tế tăng trên 60%/năm. Phấn đấu trong 5 năm (giai đoạn 2016-2020) thu hút hơn 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2020, đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 490.000 lượt khách quốc tế; ngày lưu trú bình quân từ khoảng từ 1,8-2,5 ngày; thu nhập du lịch tăng bình quân trên 29,5%/năm, đến năm 2020 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng.
Lan Khanh (tổng hợp)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm