Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số
Chiều ngày 30/10/2015, tại Hà Nội, Trường Cán bộ Dân tộc, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo góp ý Báo cáo kết quả điều tra Dự án “Điều tra thực trạng sinh kế của người dân tộc thiểu số (DTTS) tái định cư các công trình thuỷ điện vùng dân tộc và miền núi” và Báo cáo điều tra cơ bản “Điều tra, nghiên cứu, xác định nhu cầu và loại hình đào tạo phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS khu vực Tây Bắc”. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.
Tại Hội thảo, đại diện Trường Cán bộ Dân tộc đã trình bày hai Báo cáo kết quả điều tra Dự án “Điều tra thực trạng sinh kế của người DTTS tái định cư các công trình thuỷ điện vùng dân tộc và miền núi” và Báo cáo dự án điều tra cơ bản “Điều tra, nghiên cứu, xác định nhu cầu và loại hình đào tạo phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS khu vực Tây Bắc”.
Trong những năm gần đây, nước ta đã xây dựng nhiều thuỷ điện ở miền núi, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Gắn liền với việc xây dựng thuỷ điện là công tác tái định cư cho người DTTS đang là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước, của lãnh đạo các cấp, các ngành, của các nhà hoạch định chính sách nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân khi phải di dời từ nơi ở cũ đến tái định cư ở nơi mới. Bên cạnh những kết quả đạt được còn bộc lộ những hạn chế nhất định về môi trường và đặc biệt là đảm bảo sinh kế cho người DTTS tái định cư các công trình thuỷ điện vùng DTTS và miền núi.
Đối với công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS thực tế nhiều năm qua cho thấy, chiến lược của Đảng về xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực các DTTS đã đạt được những kết quả khả quan. Đội ngũ cán bộ người DTTS từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò to lớn trong phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng an ninh ở miền núi, vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, xem xét việc thực hiện từng chính sách trong chiến lược này, thấy có mặt được, mặt chưa được. Tuy nhiên, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tái mù chữ còn cao, tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều, nhất là học sinh nữ con em các gia đình nghèo. Một số dân tộc ít người chưa có người tốt nghiệp trung học phổ thông. Trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở vùng đồng bào DTTS còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho hai Báo cáo điều tra, tập trung vào một số nội dung: Cần có tầm nhìn vĩ mô đối với hai dự án; khai thác các thế mạnh của vùng, hướng chính sách đến hỗ trợ những thế mạnh của đồng bào; sinh kế đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo giải quyết việc làm và phát triển sản xuất; biến đổi về cơ cấu lao động, sản xuất như thế nào cho phù hợp; giải quyết các vấn đề văn hoá, vấn đề lao động việc làm…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng đánh giá cao các ý kiến của đại biểu với nhiều góc độ, nhiều chiều. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị Trường Cán bộ Dân tộc - đơn vị chủ trì hai dự án tiếp thu ý kiến của các đại biểu hoàn thiện Báo cáo kết quả điều tra của hai Dự án trên. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh cần làm rõ về tổng quan nguồn nhân lực; tận dụng số liệu từ các nguồn đã có, mời các chuyên gia hiểu sâu về các lĩnh vực của cuộc điều tra, để có cái nhìn đa chiều hơn, sâu sát hơn; làm rõ các nội hàm, tập trung hơn vào các nội dung, từ khóa của đề tài, dự án; đưa ra các kiến nghị, giải pháp mang tính chính sách. Hoàn thiện dự án để có sản phẩm tốt phục vụ cho việc xây dựng và hoạch định chính sách dân tộc.

Có thể bạn quan tâm