Nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận

Nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận, năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 38 cặp tảo hôn/1.517 cặp thanh niên dân tộc thiểu số đăng ký kết hôn (chiếm 2,5%), trong đó dân tộc Raglai có 36 cặp tảo hôn, 2 cặp còn lại thuộc dân tộc Chăm. Ngoài ra,15 vụ tảo hôn khác đã được địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Việc phát hiện tảo hôn gặp nhiều khó khăn vì nhiều trường hợp không đăng ký kết hôn hoặc tổ chức cưới theo phong tục ban đêm, tổ chức trên nương rẫy.

Tiêm vắc–xin chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai tại Trạm Y tế xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Tiêm vắc–xin chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ mang thai tại Trạm Y tế xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Qua theo dõi, Ninh Thuận chưa phát hiện trường hợp hôn nhân cận huyết thống nhưng đã ghi nhận 625 trường hợp sinh đẻ trong độ tuổi vị thành niên. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay. Mặt khác, do thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác động từ những mặt trái của các phương tiện thông tin, giới trẻ dễ dàng tiếp cận với các phim ảnh không lành mạnh dẫn đến quan hệ tình dục sớm.

Theo ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận, tình trạng tảo hôn tại các địa phương có chiều hướng giảm (giảm 6 trường hợp so với năm 2018) nhưng nguy cơ tiềm ẩn tảo hôn xảy ra còn rất cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cư trú vùng sâu, sống phân tán, trình độ dân trí thấp dẫn đến việc tiếp cận thông tin về tảo hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản ở nhóm trẻ vị thành niên, thanh niên còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng tảo hôn, tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những hậu quả và hệ lụy do hành vi này gây ra để giúp người dân nâng cao nhận thức, từng bước hạn chế nhằm tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai an toàn tại Trạm Y tế xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Tư vấn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai an toàn tại Trạm Y tế xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn như: Câu lạc bộ pháp lý, tổ tư vấn hôn nhân và gia đình, Câu lạc bộ Đoàn thanh niên, các đội văn nghệ tuyên truyền, Chương trình bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ để cung cấp thông tin, kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì, Luật Hôn nhân và gia đình cho đoàn viên, hội viên.

Tỉnh chú trọng thay đổi nhận thức của các nhóm vị thành niên, thanh niên vùng dân tộc thiểu số và học sinh. Ngành Giáo dục đưa nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào các hoạt động trong trường học; trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ như bị dụ dỗ, bị xâm hại, thấy được tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đấu tranh chống những quan điểm lạc hậu ngay từ trong gia đình các em và khu dân cư để khắc phục, bài trừ tệ nạn này.

Trong năm 2020, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin, sản phẩm truyền thông phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào để nâng cao hiệu quả tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tỉnh mở các lớp tập huấn về Luật Hôn nhân và gia đình cho các tuyên truyền viên; tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Song song với đó, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao hiểu biết về làm mẹ an toàn tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số, tạo thay đổi tích cực trong đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm