Mỹ Đức nỗ lực vượt khó về đích nông thôn mới

Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao ở huyện Mỹ Đức là doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao của Nhật Bản.
Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao ở huyện Mỹ Đức là doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao của Nhật Bản.

Sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã có 21/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để có được thành quả này là sự nỗ lực không hề nhỏ của một huyện có nhiều khó khăn về địa hình cũng như điều kiện phát triển kinh tế…

Mỹ Đức nỗ lực vượt khó về đích nông thôn mới ảnh 1Được vay vốn ưu đãi, gia đình ông Nguyễn Văn Chung ở xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có điều kiện đầu tư cải tạo ao nuôi cá, vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao.

Về Mỹ Đức những ngày này, đổi thay dễ nhận thấy nhất là các tuyến đường được đầu tư mở rộng, nối dài tới nhiều ngõ xóm, làng quê. Dọc hai bên đường liên xã, liên thôn là những ngôi nhà mới xây dựng khang trang, kiên cố. Bên cạnh đó là các công trình hạ tầng xã hội như trường học, lớp học, nhà văn hóa, trạm y tế... được nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới. Khắp nơi tràn ngập không khí vui tươi, hăng say lao động, phấn đấu cùng chung tay vì quê hương Mỹ Đức giàu đẹp, phát triển.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, có nhiều khó khăn, phức tạp và đòi hỏi một nguồn lực lớn, phải được thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát triển. Đồng thời, phải có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của các xã và đặc điểm cụ thể của từng thôn, xóm, cụm dân cư, chưa kể người dân cần tích cực hưởng ứng, tham gia.

Mỹ Đức nỗ lực vượt khó về đích nông thôn mới ảnh 2Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao ở huyện Mỹ Đức là doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao của Nhật Bản.

Những năm qua, các chính sách của thành phố cũng như của huyện Mỹ Đức đã và đang phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Huyện tích cực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác. Đặc biệt, huyện đã và đang hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư… Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tại các trang trại, hộ gia đình đã giúp huyện thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, huyện Mỹ Đức đã có nhiều vùng cây ăn quả với 187 ha tại các xã Bột Xuyên, Tuy Lai, Thượng Lâm, Đồng Tâm…; vùng sản xuất lúa chất lượng cao 1.400 ha tại các xã Mỹ Thành, An Mỹ, Phùng Xá, Lê Thanh. Ngoài ra, huyện còn quy hoạch 700 ha nuôi trồng thủy sản tập trung và 35 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu người dân địa phương và cung cấp cho các địa phương khác trong thành phố.

Mỹ Đức nỗ lực vượt khó về đích nông thôn mới ảnh 3Kiên cố hóa kênh mương và làm đường giao thông nội đồng ở xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Nhờ xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tính đến hết năm 2021, thu nhập bình quân của người dân đạt 53,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,73%; giá trị thu nhập bình quân đạt 160 triệu đồng/ha/năm; 21/21 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 50/79 trường đạt chuẩn quốc gia; 122/122 thôn có nhà văn hóa; hệ thống cơ sở hạ tầng thường xuyên được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế. Những thành quả đó là sự nỗ lực không hề nhỏ của một huyện còn nhiều khó khăn trên con đường “tăng tốc” về đích huyện nông thôn mới. Cho đến nay, Mỹ Đức đã đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, cơ bản đạt 4 tiêu chí là: Y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống.

Để hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang thông tin, huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng xã, từng cơ quan chức năng chịu trách nhiệm từng chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác, tự chủ, khơi dậy, phát huy tính năng động sáng tạo của người dân.

Mỹ Đức nỗ lực vượt khó về đích nông thôn mới ảnh 4Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn dâu tằm tơ Mỹ Đức, hội viên Hội nông dân xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức là người có nhiều đóng góp vào việc khôi phục làng nghề dệt vải tơ tằm truyền thống.

Đặc biệt, huyện Mỹ Đức phấn đấu đến cuối năm nay có 3 xã là Phùng Xá, Hương Sơn, Hồng Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, huyện còn thúc đẩy nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp/ha canh tác, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất lúa hàng hóa, mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...

Mỹ Đức tới đây sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, các ngành nghề nông thôn; tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành của thành phố hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập 2 cụm công nghiệp ở xã Phùng Xá và thị trấn Đại Nghĩa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân và vận chuyển, xử lý lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng trên địa bàn…

Thực hiện: Thu Giang

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm