Múa dân gian dân tộc thiểu số Việt Nam là cội nguồn sáng tạo múa chuyên nghiệp

Múa dân gian dân tộc thiểu số Việt Nam là cội nguồn sáng tạo múa chuyên nghiệp

Hội thảo trao đổi, làm rõ vị trí, vai trò của múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đối với sáng tác múa chuyên nghiệp hiện nay; những biến đổi trong đặc điểm, bản sắc của múa dân gian; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tác động tích cực đến chất lượng sáng tác múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam. 

Múa "Dệt sắc xuân" của dân tộc Mông. Ảnh: Thanh Hà- TTXVN
Múa "Dệt sắc xuân" của dân tộc Mông. Ảnh: Thanh Hà- TTXVN

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Ngọc Canh khẳng định: Ngược lại hành trình sáng tạo tác phẩm múa chuyên nghiệp trong hơn nửa thế kỉ qua cho thấy, những điểm sáng, những dấu ấn lịch sử của những tác phẩm múa thành công đều có nguồn cội sáng tạo từ múa dân gian dân tộc thiểu số. Chính múa dân gian dân tộc thiểu số có sức mạnh, có giá trị bản sắc văn hóa đã là mạch nguồn hấp dẫn các nhà biên đạo múa nhiều thế hệ. 

Nghệ sỹ Nhân dân Ngọc Canh đưa ra dẫn chứng: Biên đạo múa Hoàng Châu đã từng tiếp cận và sưu tầm múa dân gian Thái. Từ việc thấu hiểu múa dân gian Thái, ông đã sáng tạo thành công tác phẩm múa “Tây Bắc vui tươi”. Đây là tác phẩm sử dụng chất liệu múa dân tộc thiểu số đầu tiên trong sáng tạo múa chuyên nghiệp. Tiếp theo đó, biên đạo Hoàng Châu cùng biên đạo Phùng Nhạn đã sáng tác múa “Chim Gâu” dựa trên chất liệu từ múa dân gian Cao Lan. Nghệ sĩ Thúy Quỳnh với tác phẩm múa “Mùa xuân trên bản H’mông”, từ chất liệu múa dân tộc H’mông. Nghệ sĩ Lê Ngọc Canh với “Hứng nắng” từ chất liệu múa Tày, múa “Cây bông” từ chất liệu múa Chơro…cùng nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ khác… 

Cùng khẳng định vai trò của múa dân gian các dân tộc thiểu số, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải cho biết: Múa dân gian là món ăn đặc sản tinh thần của các dân tộc. Nó có đặc điểm riêng biệt về bản sắc, phong cách, tâm hồn. Bản sắc của dân tộc này không thể có ở dân tộc khác. Khi ta hội nhập các tác phẩm múa dân gian của các dân tộc, nó vẫn lấp lánh riêng biệt mà không có sự hòa tan. 

Tuy nhiên, theo Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải, múa dân gian các dân tộc thiểu số hiện nay vẫn tồn tại ở sân khấu quần chúng, ở các bản làng. Ngược lại trên sân khấu chuyên nghiệp, các tiết mục múa dân gian không nhiều, đầu tư kinh phí và thời gian ít ỏi nên chất lượng tác phẩm không cao. 

Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Hải cho rằng: Múa đương đại ra đời phù hợp với hơi thở thời đại, phản ánh được các nội dung mới mẻ của thời đại, tiếp thu tinh hoa của múa đương đại nước ngoài để làm giàu cho múa đương đại Việt Nam . Nhưng múa đương đại cần tiếp thu tinh hoa của múa dân gian các dân tộc, làm cái gốc, làm hạt giống mà lai tạo, làm chủ đề mà phát triển vì múa dân gian là hồn cốt của dân tộc. 

Múa "Khau Cút thương nhớ" của dân tôc Thái. Ảnh: Thanh Hà- TTXVN
Múa "Khau Cút thương nhớ" của dân tôc Thái. Ảnh: Thanh Hà- TTXVN

Nghệ sỹ Ưu tú Lê Thị Quỳnh Anh chỉ ra một thực trạng: Ngày nay, với sự hội nhập được mở rộng theo nhiều hình thức, mảng văn hóa nghệ thuật đang có chiều hướng lệch pha. Ví dụ như dòng múa cổ điển châu Âu đang có chiều hướng tích cực phát triển và nâng cao thẩm mỹ cho người xem, ngược lại, múa dân gian lại có chiều hướng lai tạp, biến tướng, không rõ ràng và chạy theo thị hiếu của khán giả. Điều đó, tạo ra nhiều nguy cơ nền nghệ thuật truyền thống bị mất dần bản sắc Việt, khiến khán giả bị nhầm lẫn về dân tộc, trang phục. 

Từ thực trạng hiện nay, trao đổi tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: Việc đưa chất liệu múa dân gian vào sáng tác múa chuyên nghiệp là một việc không dễ dàng. Do vậy, các nhà biên đạo múa muốn tạo ra tác phẩm có đầy đủ chức năng giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ phải thực sự hiểu và có tình yêu dân tộc, hiểu biết về các giá trị văn hóa, giá trị địa lý và phong cách, động tác múa cơ bản, từ đó, có tư duy cho ngôn ngữ múa của mình trong tác phẩm, tránh sự giả dối, chắp vá trong sáng tác múa chuyên nghiệp./. 

   

Có thể bạn quan tâm