Chè được người dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hái. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN |
Xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên là xã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái lựa chọn xây dựng mô hình “Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017-2019”. Mô hình này được triển khai với diện tích 30ha tại hai thôn Khe Ngay và Trực Thanh với 30 hộ gia đình tham gia. Sau hai năm thực hiện, mô hình được đông đảo các hộ dân trong xã hưởng ứng và áp dụng các yêu cầu kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Ông Lê Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Hưng cho biết, mô hình sản xuất chè đem lại nhiều lợi ích cho người dân như: xã được hỗ trợ xây dựng 5km tuyến đường giao thông, tạo thuận lợi trong việc đi lại; bà con được hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được cán bộ khuyến nông của tỉnh hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè. Hầu hết người dân trong xã rất phấn khởi, tập trung đầu tư chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật từ khâu trồng tới khâu tiêu thụ sản phẩm.
Người dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang thu hoạch chè. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN |
Từ khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất chế biến chè an toàn, bước đầu các hộ dân có những thay đổi về phương thức sản xuất như thu hái chè búp tươi bằng hình thức hái tay để nâng cao chất lượng nguyên liệu. Việc thu hái đúng kỹ thuật để chừa phần lá nhiều, các búp chưa đến tuổi hái không bị tận thu nên thời gian các lứa hái được rút ngắn, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các hộ dân trong xã cũng chuyển đổi các giống chè trung du sang trồng giống chè mới như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDT1 cho năng suất cao hơn và giá bán cao gấp 3 đến 4 lần so với giá chè trước đây. Bà Hoàng Thị Lạc, thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng chia sẻ, bà nhận thấy trồng chè đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây lâm nghiệp khác. Với diện tích khoảng một mẫu chè, mỗi lứa bà thu hoạch được khoảng 1 tạ chè khô với giá trị hơn 10 triệu đồng. Theo người dân nơi đây, hàng năm họ thu hoạch chè từ 5-7 lứa chính, sau mỗi lứa chính sẽ có thêm một lứa phụ. Năm 2018, giá bán chè ở mức cao, đối với chè ngon loại 1 bán với giá từ 200.000-300.000 đồng/kg chè khô, còn các loại chè khác có giá từ 80.000-150.000 đồng/kg chè khô thành phẩm. Thường giá bán chè cao sẽ vào dịp cuối năm, giáp Tết. Chè được xã Bảo Hưng xác định là cây trồng mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, xã Bảo Hưng có trên 180ha diện tích chè, tập trung chủ yếu tại thôn Ngòi Đong và Trực Thanh, năng suất bình quân đạt 90tạ/ha, sản lượng hơn 1.600 tấn với giá trị thu về trên 19 tỷ đồng.
Người dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang thu hoạch chè. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN |
Ngoài những hộ tham gia vào hợp tác xã sản xuất chè an toàn, các hộ gia đình khác cũng áp dụng phương thức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Hầu hết các hộ gia đình này tự đầu tư máy sao sấy chè mini, máy hút chân không để đóng gói sản phẩm nhằm nâng cao uy tín, chất lượng và tăng thu nhập cho gia đình. Theo các hộ gia đình, sau khi chế biến chè thành phẩm (chè khô) các thương lái sẽ đến tận nhà để thu mua. Sản xuất chè an toàn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Gắn phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường. Ông Vũ Đức Phòng, thôn Trực Thanh cho biết, mô hình sản xuất chè an toàn cần được duy trì và nhân rộng ra toàn tỉnh, bởi mô hình này vừa mang lại thu nhập cao cho gia đình và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Sản xuất chè an toàn đã tạo thêm việc làm cho người nông dân xã Bảo Hưng, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, xã Bảo Hưng đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Trực Thanh tham gia xây dựng làng nghề sản xuất chè xanh chất lượng cao với 85 hộ gia đình. Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện mô hình sản xuất chè xanh an toàn chất lượng cao. Đồng thời, tiếp tục duy trì diện tích đang có và vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tạo thương hiệu chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng ra thị trường.
Đinh Thùy