Tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chủ trương chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó ưu tiên các mô hình phát triển xanh gắn với nâng cao giá trị. Mô hình trồng tre lục trúc lấy măng đã được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai và được người dân đánh giá cao về hiệu quả cũng như giá trị kinh tế mà cây trồng mới này mang lại.
Hợp tác xã măng tre lục trúc MTQ ở thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên hoạt động từ năm 2020 gồm 7 thành viên chính thức. Khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có 3 ha trồng măng, sau 4 năm hoạt động, tổng diện tích trồng măng đã tăng gấp 10 lần so với ban đầu. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên doanh liên kết với một số cơ sở, công ty, doanh nghiệp… trong và ngoài tỉnh, từng bước đưa sản phẩm vào thị trường trong nước, đồng thời hướng dần xuất khẩu ra thị trường thế giới, thoát khỏi tư duy tiểu nông, nâng cao giá trị nông sản.
Ông Man Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã măng tre lục trúc MTQ chia sẻ, trước khi đến với mô hình trồng măng, bản thân ông đã làm về ươm cây giống và trồng đinh lăng. Tuy nhiên, do không hiệu quả nên ông đã nghiên cứu, tìm tòi và quyết định chuyển sang trồng măng tre lục trúc. Ban đầu, ông mua giống và trồng thử nghiệm trên diện tích 5000 m2. Sau hai năm, thấy hiệu quả kinh tế cao, ông mong muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường nên đã thành lập hợp tác xã. Với sự nỗ lực, cố gắng học hỏi kinh nghiệm, đến nay hợp tác xã đã có hơn 30 ha trồng măng theo tiêu chuẩn VietGAP và có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đảm bảo tiêu chuẩn đưa vào hệ thống các nhà hàng, siêu thị. Sản phẩm măng của hợp tác xã đa dạng, phong phú, mang lại hương vị đặc biệt cho người tiêu dùng như măng tươi; măng hấp chín bằng nồi hơi; nộm măng; măng chua ngọt; măng ngâm ớt; măng sấy khô…
Theo hạch toán của ông Tiến, 1 ha măng lục trúc sẽ cho thu hoạch từ 10 đến 15 tấn trên một năm, trừ chi phí phân bón và công lao động, mỗi ha sẽ cho thu về từ 150 đến 300 triệu đồng/năm. Hiện tại, hợp tác xã đang thu mua măng lục trúc của người dân quanh vùng với giá từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg măng chưa bóc vỏ, mỗi ngày hợp tác xã thu mua khoảng 5 đến 7 tạ măng cả vỏ. Có thể nói, mô hình trồng tre lục trúc lấy măng đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần tích cực vào các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong thời gian tới, Hợp tác xã măng tre lục trúc MTQ mong muốn ngành nông nghiệp cũng như các cơ quan liên quan của tỉnh mở rộng thêm nhiều dự án trồng tre lục trúc cho các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để người dân ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng Như, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ cho biết, trồng tre lấy măng là phương thức khai thác hiệu quả các vùng đất ít có khả năng canh tác, điều này lại rất phù hợp với địa phương có địa hình đồi núi chiếm tỷ lệ khá cao như Đồng Hỷ. Đánh giá sau khi trồng thử nghiệm tại một số hộ dân thuộc thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị cho thấy, măng lục trúc có khả năng tạo sinh khối nhanh, dễ tạo nguồn giống, có khả năng chắn gió, giữ đất cao, phát huy nhanh tác dụng phòng hộ, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn. Hiện diện tích trồng măng lục trúc trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã được mở rộng lên hơn 50 ha. Mô hình này được đánh giá cao trong việc tạo sinh kế bền vững cho người nông dân phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là cơ sở để huyện Đồng Hỷ đưa ra định hướng quy hoạch vùng sản xuất, thâm canh, đảm bảo giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển được khoảng 85 ha tre lục trúc, tập trung nhiều tại huyện Đồng Hỷ và Phú Lương. Trong số đó đã có hơn 20 ha cho khai thác, thời gian khai thác bắt đầu tăng nhanh từ năm 2023 đến nay. Với mục tiêu phát triển mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng lục trúc, hình thành chuỗi giá trị đảm bảo tính bền vững, tăng khả năng cạnh tranh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt hỗ trợ dự án “Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng lục trúc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” và giao cho Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là cơ quan quản lý.
Dự án được triển khai từ năm 2023 đến hết năm 2025 tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương và xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ với quy mô 10 ha. Khi tham gia dự án, người dân được hỗ trợ 100% về cây giống, tập huấn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác sản phẩm… và được hỗ trợ 50% phân bón trong năm đầu.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, mô hình trồng tre lục trúc lấy măng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nông thôn miền núi mà còn góp phần cải thiện chất lượng đất, giảm thiểu tình trạng sử dụng chất hóa học. Với những “điểm cộng” của mô hình này, trong thời gian tới, Văn phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan tích cực hỗ trợ nông dân trong việc phát triển diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến xây dựng, đăng ký nhãn mác hàng hóa, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; đăng ký chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; giới thiệu sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài nước…
Có thể nói, mô hình trồng tre lục trúc lấy măng ở Thái Nguyên đã mở ra hướng đi mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và tạo động lực cho nông nghiệp phát triển nông nghiệp bền vững.
Thu Hằng