Hiệu quả từ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ măng tre Bát Độ

Hiệu quả từ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ măng tre Bát Độ

Cây tre Bát độ trồng tập trung tại các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên của tỉnh Yên Bái; trong đó, huyện Trấn Yên là nơi có diện tích trồng lớn nhất tỉnh với vùng trồng tre nguyên liệu tập trung hơn 4.200 ha. Măng Bát Độ cho thu hoạch vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10. Vụ thu hoạch năm nay, nhờ được mùa và giá măng tăng, các hộ dân trồng tre Bát độ có nguồn thu đáng kể.

Hiệu quả từ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ măng tre Bát Độ ảnh 1Người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thu hoạch măng tre Bát Độ. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Được đưa vào trồng ở huyện Trấn Yên cách nay 20 năm đến nay, cây tre măng Bát Độ được phủ xanh trên những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế là cây trồng mang lại đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Gia đình bà Trần Thị Độ ở thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành là một trong những hộ trồng tre Bát Độ ngay từ những ngày khởi đầu. Bà Độ cho biết, trước đây gia đình trồng nhiều loại cây trồng khác nhau như keo, bồ đề song thấy được hiệu quả của cây tre măng Bát Độ nên gia đình chuyển đổi dần diện tích và hiện có hơn 3,5 ha trồng tre măng Bát Độ. Vài năm gần đây, mỗi vụ măng gia đình bà thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng. Vụ năm nay, mới chỉ đầu vụ nhưng nhờ được mùa, giá tốt nên gia đình bà thu được hơn 5 tấn măng thương phẩm, cho thu nhập trên 30 triệu đồng.

Bà Đỗ Thị Thoa, thôn Đồng Cát, xã Kiên Thành cho biết, vào mùa thu hoạch, mỗi buổi sáng gia đình bà thu hoạch được 2,8 tạ măng. Sau khi chở đến điểm thu mua chính trong xã và bán với giá 5.800 đồng/kg măng ống, 6.000 đồng/kg măng ngọn, bà thu được hơn 1,6 triệu đồng.

Bà Thoa ước tính năm nay nhà bà sẽ thu được khoảng 22 tấn măng, từ đó sẽ có nguồn thu gần 140 triệu đồng. Giá măng cao và ổn định, giúp cho các hộ trồng măng như bà rất phấn khởi; có động lực để chăm sóc tốt các diện tích tre Bát Độ cũng như thu hoạch măng theo đúng kỹ thuật.

Hiệu quả từ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ măng tre Bát Độ ảnh 2Việc triển khai thu mua đến từng thôn bản giúp người dân yên tâm tập trung cho khâu chăm sóc măng tre Bát Độ theo đúng kỹ thuật. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Tại xã Kiên Thành, tre Bát Độ xuất hiện từ năm 2003 với diện tích ban đầu khoảng 85 ha, đến nay địa phương này đã trở thành thủ phủ của cây tre Bát Độ. Năm 2023, diện tích trồng mới măng tre Bát Độ trên địa bàn xã là 50,2 ha, nâng tổng số diện tích măng tre Bát Độ của toàn xã lên gần 2.000 ha; trong đó, có hơn 1.800 ha trong thời kỳ kinh doanh.

Để tạo mô hình liên kết trong phát triển tre măng, chính quyền xã đã vận động thành lập hợp tác xã, tạo “cầu nối” giữa doanh nghiệp và nông dân trong thu mua, tiêu thụ nông sản. Hằng năm, sản lượng măng thương phẩm trung bình hàng năm của xã đạt khoảng hơn 20.000 nghìn tấn.

Ông Hoàng Ngọc Chấn, Phó chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết, sản lượng thu hoạch măng tre Bát Độ của xã năm 2023 đến thời điểm này đạt hơn 2.000 tấn, với giá bán dao động từ 5.800 - 6.000 đồng/kg. Dự ước năm nay, toàn xã sẽ thu hoạch được hơn 20.000 tấn, giá trị thu nhập khoảng 120 tỷ đồng. Nhờ trồng tre măng Bát Độ mà đời sống của nhân dân trong xã đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đã đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm.

Để thuận tiện cho người dân tiêu thụ măng tre Bát Độ, các công ty, doanh nghiệp đặt rất nhiều điểm để thu mua sản phẩm cho người dân tại các xã, thôn. Trong đó, Công ty TNHH Vạn Đạt đặt 10 điểm thu mua tập trung tại các vùng nguyên liệu; Công ty cổ phần Yên Thành thu mua thông qua các hợp tác xã. Ngoài ra, nhiều tư thương ở các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Kạn đã đến thu mua măng củ, măng luộc, măng tươi và sơ chế măng khô.

Hiệu quả từ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ măng tre Bát Độ ảnh 3Một điểm thu mua và sơ chế măng tre Bát Độ ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết, từ nhiều năm qua, công ty đã đồng hành cùng người dân thông qua các hợp tác xã, các cơ quan chuyên môn để phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm măng Bát Độ trên địa bàn.

Theo ông Dũng, để có được năng suất và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu, công ty chặt chẽ liên kết chuỗi giá trị với người dân. Các khâu "lựa chọn đất - kỹ thuật trồng - thu mua - chế biến - xuất khẩu sản phẩm" đều được công ty hỗ trợ, bố trí cán bộ kỹ thuật giám sát, được chuẩn hóa đến từng công đoạn nhỏ nhất, các ứng dụng kỹ thuật tốt nhất, tiên tiến được áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ canh tác của người dân.

Việc triển khai thu mua đến từng thôn bản và sơ chế tại chỗ, cũng như đảm bảo thu mua theo giá thị trường đã giúp người dân từ nhiều năm nay có thu nhập cao, ổn định để yên tâm tập trung cho khâu chăm sóc măng theo đúng kỹ thuật, thâm canh và mở rộng diện tích trồng tre Bát Độ. Nhờ đó, năng suất trung bình đạt 7 kg/ngọn, cá biệt lên tới 15 kg - 18 kg/ngọn, sản phẩm măng Bát Độ Trấn Yên qua sơ chế đạt tiêu chuẩn về chất lượng xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Bà Trần Thị Hoàn Liên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết, trước khi bước vào vụ thu hoạch, Ban quản lý chương trình tre măng Bát Độ của huyện đã chủ động làm tốt việc tuyên truyền, tư vấn nông dân thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo doanh nghiệp thu mua bố trí lịch cân và thời gian thu mua hợp lý. Ngoài ra, thực hiện tư vấn, hỗ trợ các chủ thể dự án liên kết thực hiện các nội dung Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị măng tre Bát Độ: xây dựng thiết kế logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiệu quả từ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ măng tre Bát Độ ảnh 4Một điểm thu mua và sơ chế măng tre Bát Độ ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Hiện tại, huyện Trấn Yên đã hình thành vùng trồng tre nguyên liệu tập trung hơn 4.200 ha; trong đó, diện tích kinh doanh cho thu hoạch là trên 3.360 ha, sản lượng măng thương phẩm hàng năm đạt trung bình 30.000 tấn. Năm 2022 sản lượng măng thương phẩm của toàn huyện đạt hơn 31.500 tấn, năng suất trung bình đạt 11,5 tấn măng thương phẩm/ha. Chất lượng măng tăng, măng to, dày, được các đơn vị thu mua đánh giá chất lượng tốt đảm bảo phục vụ chế biến hàng hóa xuất khẩu, giá trị thu nhập hơn 190 tỷ đồng. Vụ măng Bát Độ năm 2023, dự ước Trấn Yên tiếp tục có thêm một vụ măng thắng lợi với sản lượng dự ước đạt 32.500 tấn măng thương phẩm, giá trị thu nhập của toàn huyện ước đạt gần 200 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, trong Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, tre Bát Độ được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực, cần tập trung đầu tư phát triển, nâng cao giá trị và phát huy lợi thế của địa phương.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, tỉnh Yên Bái sẽ hình thành vùng sản xuất măng tre tập trung nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô 5.000 ha, trong đó diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...) khoảng 1.000 ha.

Với mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng măng tre, hỗ trợ người dân một phần kinh phí về giống, phân bón giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong phát triển nông nghiệp bền vững và tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm