Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet |
Sinh năm 1958, tại Hải Dương, rồi cùng gia đình vào Gia Lai lập nghiệp, ông Long đã sớm hiểu được tầm quan trọng của thực phẩm sạch đối với đời sống hàng ngày của con người. Cùng với niềm đam mê trồng hoa lan, ông đã có ý tưởng lập nên một trang trại chuyên sản xuất các loại thực phẩm sạch và trồng lan, không chỉ cung cấp cho gia đình mà còn hướng đến việc cung ứng cho thị trường.
Năm 1999, ông mua gần 3 ha đất tại xã Diên Phú, thành phố Pleiku, vừa để trồng trọt và chăn nuôi. Sau nhiều năm mày mò tự nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc cây trồng và vật nuôi, đến nay, ông đã có trên 2.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch, 4 sào trồng lan và gần 1.500 con gia cầm, từ gà Đông Tảo đến bồ câu Pháp, vịt trời. Với phương châm, những gì người khác không làm được, mình sẽ làm, người đàn ông quê Hải Dương đã thành công sau nhiều năm theo đuổi ước mơ của mình.
Điểm đáng chú ý nhất của mô hình trang trại khép kín của ông Nguyễn Văn Long là hệ thống cung cấp phân bón, thức ăn sinh học cho cây trồng và vật nuôi, luôn đảm bảo tạo ra những thực phẩm sạch. Để cung cấp thức ăn cho chăn nuôi, ông trồng cỏ Ấn độ trong vườn tiêu, rồi dùng cỏ xay nhuyễn, trộn với cám, lúa, men tiêu hóa... Loại thức ăn sinh học này có nhiều ưu điểm như giảm mùi hôi chuồng trại, tăng sức đề kháng và cho thịt ngon hơn. Ngoài ra, trong vườn tiêu ông cũng trồng xen ngô để cung cấp thức ăn lâu dài cho đàn gia cầm.
Chính việc trồng cỏ và ngô để cung cấp thức ăn chăn nuôi, nên vườn tiêu của ông cũng tránh được cỏ dại. Phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật được ông Long làm hoàn toàn từ thiên nhiên. Ông sử dụng chính phân của gia cầm, rồi ủ men, tạo ra nhiều vi khuẩn có lợi, ít bệnh tật để bón cho cây. Đối với thuốc trừ sâu bệnh, ông Long dùng ớt, tiêu, tỏi, gừng theo một tỷ lệ nhất định rồi xay nhuyễn, ngâm rượu trong vòng từ 15 đến 20 ngày, sử dụng làm thuốc trừ sâu. Nhờ đó, vườn tiêu của ông ít sâu bệnh, không bị chết như nhiều người dân trong vùng.
Trong khu vườn của mình, ông Long dành ra 0,4 ha đất để trồng lan, với trên 100 loài; trong đó, có nhiều giống lan quý như Quế Vàng, Nghinh Xuân, Trầm Rừng... được ông sưu tầm ở nhiều nơi. Có những loài phải sang tận Thái Lan mới đưa được về. Ông Long cho biết: “Tôi có niềm đam mê trồng và sưu tầm lan đã từ lâu. Cộng thêm việc càng ngày, diện tích rừng càng giảm, nên nhiều loài lan rừng cũng theo đó mà biến mất. Vì thế, tôi cũng muốn bảo tồn những loài lan rừng quý hiếm, bằng cách nhân giống”.
Theo ông Long, việc nhân giống hoa lan rừng phải được sử dụng kỹ thuật và kinh nghiệm bản thân đúc kết trong nhiều năm, và phải là người sành sỏi thì mới có thể nhân giống và trồng lan được.
Dần dần, tiếng lành đồn xa, vườn lan và đàn gia cầm cung ứng thực phẩm sạch của ông Long được nhiều người biết và tìm đến mua. Chị Thái Thị Ngọc Điệp (Nguyễn Lương Bằng, tp. Pleiku) cho biết, gia đình chị đã biết đến mô hình trang trại chuyên cung cấp thực phẩm sạch của ông Long từ hơn 1 năm nay. Vì vậy, chị thường xuyên mua các loại thực phẩm như gà ta, vịt trời, gà Đông Tảo... “Khi đến mô hình trang trại này, nhìn vào các công đoạn chăm sóc vật nuôi, cây trồng theo mô hình khép kín như thế này thì mình và gia đình cảm thấy rất yên tâm, vì đây không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm sạch mà còn cho chất lượng thịt thơm ngon hơn”, chị Diệp nói.
Đến nay, trừ hết chi phí, mỗi năm mô hình trang trại khép kín này mang về cho ông Nguyễn Văn Long hàng trăm triệu đồng. “Hiện nay, tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Vì vậy, thông qua khu vườn của mình, tôi cũng muốn góp một phần công sức vào việc cung cấp các loại thực phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe đến với người tiêu dùng”, ông Long cho biết.