Ếch giống bố mẹ nặng trêm 300 gram. Ảnh: Phan Sáu -TTXVN |
Năm 2004, anh Phương lặn lội từ Khánh Hòa đến Hà Tĩnh để tìm “thầy” học nghề nuôi ếch giống và mua ếch giống về nuôi. Thấy nuôi ếch mang lại hiệu quả khá cao, anh tiếp tục nhân rộng mô hình (lúc mới bắt đầu chỉ có 5 bể, bây giờ đã lên 10 bể). Trong quá trình nuôi, anh đã vận dụng kỹ thuật phun mưa giúp cho ếch giao phối cũng như sinh sản tốt hơn. Anh tiến hành nghiên cứu lai tạo giống ếch Thái với giống ếch đồng Việt Nam để tạo ra một giống ếch mới có chất lượng và giá trị cao hơn giống ếch bản địa. Điều đặc biệt nữa, trong quy trình nuôi ếch thương phẩm hay nhân giống ếch, anh Phương không sử dụng kháng sinh hóa học cho vật nuôi, thay vào đó anh sử dụng các bài thuốc dân gian như nước tỏi, nghệ… trộn vào thức ăn. Hiện nay, bình quân mỗi năm anh cung cấp cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên hơn 60.000 con ếch giống, từ 3- 4 tấn ếch thịt, với giá bán từ 1.200 -1.500 đồng/con ếch giống, 70.000 đồng/kg ếch thịt, mô hình cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh đã thành lập tổ hợp tác nuôi ếch với 5 thành viên tham gia, quy mô nuôi 5.000 con ếch thương phẩm. Trong quá trình nuôi, anh truyền đạt các kỹ thuật nuôi cũng như bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của đàn ếch, anh còn thả nuôi hàng ngàn con cá trê lai, nhờ đó mà có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Ếch thương phẩm được nuôi trong bể xi măng. Ảnh: Phan Sáu -TTXVN |
“Việc nuôi cá trê thả ao là sáng kiến được bắt nguồn từ việc dọn chuồng cho ếch. Nước trong hồ nuôi ếch là nguồn thức ăn tốt cho cá trê lai và khi nuôi cá lứa đầu tiên từ nguồn nước này, cá phát triển tốt, thịt thơm ngon và giá bán cũng hơn các loại cá trê khác rất nhiều nên tôi duy trì mô hình này và chia sẻ để bà con áp dụng theo”, anh Phương hào hứng chia sẻ mô hình ao – chuồng. Không chỉ giỏi trong việc nuôi ếch, cá trê lai, anh Phương còn hết lòng đam mê với nuôi cá rô đầu vuông thả chân ruộng. Cá rô đầu vuông thịt ngọt, ngon nên giá trị kinh tế cao hơn cá rô đồng. Mặt khác, việc nuôi cá rô đầu vuông ở chân ruộng, bắt buộc các đám ruộng cũng phải sạch, không sử dụng thuốc hóa học. Hiện anh cũng sở hữu hơn 100 cặp cá rô bố mẹ đủ để sản xuất, cung cấp giống cá rô cho các khách hàng trong khu vực. Bình quân mỗi năm anh cung cấp khoảng 4 tạ cá rô giống. Mô hình nuôi ếch, cá trê lai và cá rô đầu vuông đã giúp anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Một bể ếch thương phẩm của gia đình anh Cao Văn Phương. Ảnh: Phan Sáu -TTXVN |
Mô hình nuôi ếch trong bể kết hợp nuôi cá trê thả ao, cá rô đầu vuông thả chân ruộng được nhiều hộ nông dân trong vùng và ngoài tỉnh đến tham quan học tập. Mỗi lần đón đoàn khách đến tham quan, anh Phương cho biết, anh rất hào hứng, vui mừng vì những kiến thức bản thân tích lũy được chia sẻ, giúp cộng đồng phát triển kinh tế, bảo vệ được cách nuôi trồng sinh học, không sử dụng chất hóa học cho vật nuôi.
Anh Cao Văn Phương vệ sinh bể nuôi ếch thương phẩm. Ảnh: Phan Sáu -TTXVN |
Ông Lê Văn Tự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Quang ghi nhận: Anh Phương là nông dân đầu tiên trên địa bàn xã xây dựng thành công mô hình nuôi trồng nhiều cây, con kết hợp có hiệu quả. Ngoài ra, anh Phương còn là nông dân tiên phong sáng tạo khoa học kĩ thuật trên địa bàn xã nói riêng và của tỉnh Khánh Hòa nói chung. Các con giống anh Phương đang nuôi đều là do anh lai tạo. “Giống ếch của anh Phương đang sản xuất và nuôi thương phẩm được anh áp dụng phương pháp lai tạo con giống trong và ngoài nước. Cá rô đầu vuông thả chân ruộng là một sáng kiến hoàn toàn hữu ích và tạo nên giá trị kinh tế cao”, ông Tự khẳng định. Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền anh Phương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Khánh Hòa, năm 2017 là nông dân xuất sắc của tỉnh.
Phan Sáu