Mã số vùng nuôi - Giải pháp hữu hiệu nâng cao chuỗi giá trị ngành tôm

Ao nuôi tôm mô hình công nghiệp. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Ao nuôi tôm mô hình công nghiệp. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, tôm sú, tôm thẻ chân trắng cùng với một số đối tượng thủy sản nuôi khác, các cơ sở nuôi phải đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là quy định bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Việc cấp mã số nuôi còn góp phần nâng cao giá trị tôm nuôi khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quy định thì thế, nhưng việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm để phục vụ truy xuất nguồn gốc của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua vẫn gặp rất nhiều khó khăn, kết quả đạt được thấp.

Mã số vùng nuôi - Giải pháp hữu hiệu nâng cao chuỗi giá trị ngành tôm ảnh 1Ao nuôi tôm mô hình công nghiệp. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Khó khăn cấp mã số vùng nuôi

Cấp mã số vùng nuôi là xu hướng tất yếu và là thủ tục cần thiết, bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đảm bảo thủ tục xuất khẩu sang một số nước, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc cấp mã số còn là cơ sở pháp lý để cơ quan Nhà nước quản lý vùng nuôi, các điều kiện an toàn thực phẩm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm gần đây, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường khó tính rất quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện này, có khả năng một số thị trường sẽ không nhập khẩu tôm Việt Nam nói chung, tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Lúc ấy, số lượng tôm nuôi không có mã số sẽ có nguy cơ đối mặt với việc không có thị trường tiêu thụ. Nhận thấy được tính chất quan trọng cũng như lợi ích lâu dài của vấn đề cấp mã số vùng nuôi, nhất là khi sản lượng tôm nuôi của Bạc Liêu cần đầu ra rất lớn, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu quan tâm đến việc xin cấp mã số vùng nuôi.

Mã số vùng nuôi - Giải pháp hữu hiệu nâng cao chuỗi giá trị ngành tôm ảnh 2Cơ sở sản xuất tôm giống theo qui định phải đăng ký và cấp mã số vùng nuôi. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, tính từ năm 2019 đến nay đã có 850 cơ sở nuôi tôm được cấp mã số vùng nuôi với diện tích trên 1.200 ha; trong đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã cấp cho 600 cơ sở, tương đương gần 900 ha (bằng số lượng 3.385 ao). Cụ thể, thành phố Bạc Liêu có 44 cơ sở với diện tích 95,03 ha; thị xã Giá Rai có 2 cơ sở với diện tích 7,35 ha; huyện Hòa Bình có 92 cơ sở với diện tích 184,82 ha; huyện Đông Hải có 484 cơ sở với diện tích 514,05 ha; huyện Vĩnh Lợi có 50 cơ sở với diện tích 87,75 ha.

Mặc dù, việc cấp mã số vùng nuôi có tăng so với những năm trước, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, tiến độ thực hiện vẫn rất thấp so với thực tế nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do trong quá trình triển khai, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký nuôi đến người dân còn chậm. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, người nuôi chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký nuôi đối tượng thuỷ sản chủ lực hoặc không chủ động thực hiện các thủ tục do phải chuẩn bị thành phần hồ sơ và đến nộp hồ sơ tại cơ quan cấp tỉnh khá phức tạp. Ngoài ra còn liên quan đến tình trạng các cơ sở nuôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ, không có hợp đồng thuê đất dài hạn… vì vậy người dân gặp khó khăn khi thiết lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản.

Đẩy mạnh cấp mã số vùng nuôi

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 135.000 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, có trên 100.000 ha phải thực hiện cấp mã số vùng nuôi. Đây là một thách thức không hề nhỏ, nhất là một bộ phận người dân không mặn mà với việc cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi. Để công tác này được triển khai hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đang quyết liệt triển khai các giải pháp, trước mắt là nâng cao nhận thức của người nuôi.

Cơ quan này xác định, khó khăn lớn nhất khi triển khai công tác này, trước hết vẫn phải thay đổi được nhận thức của người dân, làm sao để bà con hiểu việc sản xuất nông nghiệp ở giai đoạn hiện nay không chỉ là “trồng cây gì? Nuôi con gì?” và chỉ biết có bấy nhiêu. Việc sản xuất nông nghiệp còn phải gắn với nhiều khâu mới đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Trong đó, truy xuất nguồn gốc là một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc, là tiêu chuẩn xuất khẩu của nhiều nước.

Ngành nông nghiệp cũng thừa nhận, hồ sơ, thủ tục quy định trong cấp mã số vùng nuôi cũng gây một số khó khăn cho người dân. Vì vậy, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị cấp trên điều chỉnh một số quy định phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân làm thủ tục cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi.

Mới đây nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-SNN đăng ký, cấp mã số xác nhận cơ sở nuôi đối tượng chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chấp hành đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Mã số vùng nuôi - Giải pháp hữu hiệu nâng cao chuỗi giá trị ngành tôm ảnh 3Ao nuôi tôm mô hình siêu thâm canh. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Để đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thuỷ sản và các vướng mắc liên quan; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhất là ngành tài nguyên và môi trường để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Đối với các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm xuất khẩu thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định của Luật Thủy sản.

Các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định; nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới; không sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm.

Các doanh nghiệp chế biến cũng cho rằng, việc cấp mã số nuôi, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp ổn định nguồn nguyên liệu tôm. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp chỉ tự chủ được khoảng 30 - 40% nguồn nguyên liệu tự sản xuất và quản lý. Phần còn lại phụ thuộc vào nhiều nguồn thu mua từ các nông hộ nhỏ lẻ. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến ngành tôm xuất khẩu cả nước nếu không kiểm soát chất lượng và khai báo xuất xứ nguyên liệu rõ ràng. Đây cũng là nguyên nhân hình thành nên các vùng nuôi riêng của doanh nghiệp, những doanh nghiệp thu mua tự do, không đảm bảo truy xuất nguồn gốc thì dễ bị rủi ro.

Do đó, việc đẩy mạnh cấp mã số vùng nuôi được xem là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng tôm của Bạc Liêu nói riêng, tôm Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới và cần được tỉnh Bạc Liêu quan tâm cũng như triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu hơn.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm