Hiện nay, Bạc Liêu đang giữ ổn định diện tích đất lâm phần đạt trên 7.800 ha (trong đó diện tích có rừng hơn 3.922 ha) và diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng (diện tích có rừng trong mô hình tôm - rừng) gần 980 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 1,84%; tỷ lệ che phủ rừng, cây phân tán và cây lâu năm chiếm 11,47% diện tích tự nhiên. Tỉnh thực hiện nuôi dưỡng diện tích rừng sản xuất theo mô hình lâm - ngư kết hợp đã đến tuổi tỉa thưa để nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng phòng hộ.
Để thực hiện mục tiêu này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2020, tầm nhìn đến năm 2050 theo Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh, tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp du lịch sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người làm nghề rừng.
Cùng đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc giao doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; phát triển và tăng cường quản lý hệ sinh thái rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu và khu rừng ấp Canh Điền, huyện Đông Hải theo hướng vừa bảo vệ quỹ gen, bảo đảm đa dạng sinh học, vừa kết hợp du lịch sinh thái. Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện trồng rừng trên đất bãi bồi ven biển và trồng rừng trên các khu vực bị sạt lở, trồng các loại cây đa tác dụng, đa mục tiêu. Địa phương tích cực vận động, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng phía trong đê biển ở những nơi có điều kiện (trồng rừng trong mô hình tôm - rừng).
Bạc Liêu còn tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng; trồng rừng phòng hộ môi trường, bảo vệ cơ sở hạ tầng, trồng cây phân tán trong khuôn viên các cơ quan, khu dân cư; phát triển ổn định diện tích trồng cây lâu năm, tích cực vận động nhân dân cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao độ che phủ, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lực lượng chức năng chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực Vườn chim Bạc Liêu.
Mặt khác, Bạc Liêu còn thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người làm nghề rừng và thực hiện di dời những hộ đang sinh sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh ngoài đê biển và hộ dân cư trú bất hợp pháp trong lâm phần vào định cư phía trong đê biển, có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp để người dân ổn định cuộc sống.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu, để bảo vệ rừng, ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các văn bản về Luật Lâm nghiệp, các nghị định, thông tư về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, quản lý lâm sản đến các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán và các hộ dân sống ven rừng. Đồng thời, lực lượng chức năng tổ chức tuần tra kiểm soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm xâm hại đến rừng phòng hộ ven biển.
Ông Lưu Hoàng Ly cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu phối hợp với Tập đoàn INPEX và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nippon Koei Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu, có những giải pháp đột phá về khoa học - kỹ thuật phù hợp và tiềm lực tài chính, khắc phục những khó khăn tại địa phương và trồng rừng thành công trên diện tích bãi bồi ven biển, đặc biệt là khu vực thành phố Bạc Liêu và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), góp phần phát triển rừng phòng hộ ven biển và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 4.278 ha rừng phòng hộ ven biển (trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 1.547 ha; hơn 1.726,62 ha rừng trồng và hơn 1.000 ha đất chưa có rừng). Tỉnh có nhiều dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, tập trung chủ yếu ở ven biển thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.
Nhật Bình