Từ năm 2009, các chương trình hỗ trợ gạo cho hộ nghèo để chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế nương rẫy triển khai tại tỉnh Sơn La đã mang lại những kết quả tích cực, vừa nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng vừa giúp hàng nghìn hộ dân ở vùng cao có thêm sinh kế. Hiện nay, người dân vùng cao, biên giới tại Sơn La mong muốn chương trình này tiếp tục được triển khai để họ có thêm động lực yên tâm gắn bó với rừng.
Khu rừng trồng bạch đàn do các hộ dân ở bản Nà Dòn, xã Mường Cai, huyện Sông Mã chăm sóc có diện tích hơn 5 ha. Người dân trồng rừng từ năm 2009 theo chương trình trồng rừng thay thế có hỗ trợ gạo. Từ khi quy hoạch sang rừng sản xuất và được phép khai thác, người dân nơi đây rất phấn khởi với thành quả do mình làm ra. Bởi rừng trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Trước đây, khi cán bộ kiểm lâm xuống bản Nà Dòn vận động người dân trồng rừng thay thế nương rẫy, người dân còn nghi ngại. Phần vì sợ cái đói giáp hạt, không có lương thực thay thế, phần vì không biết bao giờ mới có thu nhập từ sản phẩm rừng. Đến nay, người dân nhận ra hiệu quả từ việc trồng rừng.
Ông Quàng Văn Nhay, người dân bản Nà Dòn chia sẻ, chuyển từ làm nương rẫy sang trồng rừng, bà con cũng lo lắng vì sợ không có lương thực. Khi được Nhà nước cấp gạo hỗ trợ, gia đình đã bớt khó khăn và yên tâm tham gia trồng rừng. Thời gian tới, nếu Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ lương thực để trồng cây, trồng rừng, gia đình ông và các hộ dân trong bản sẽ hưởng ứng.
Chương trình trồng rừng thay thế nương rẫy có hỗ trợ gạo theo Quyết định 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng triển khai tại 6 xã của huyện Sông Mã. Trong thời gian thực hiện, khoảng 250 hộ dân trên địa bàn tham gia và hơn 100 ha rừng được trồng.
Ông Vũ Văn Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã cho biết, thời gian tới, đơn vị đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình trồng rừng có hỗ trợ gạo để đảm bảo việc xóa đói giảm nghèo cho người dân, gắn với công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tốt hơn.
Còn tại huyện vùng biên Sốp Cộp, hàng nghìn hộ dân đã được hưởng chính sách hỗ trợ gạo để trồng rừng. Từ khi nhận được gạo hỗ trợ của Chính phủ, người dân không phải lo đói, không còn tình trạng chặt phá rừng bừa bãi. Những cánh rừng biên giới dần hồi sinh, người dân nơi đây có thêm động lực vươn lên thoát nghèo.
Ông Tòng Văn Soạn, Bí thư Chi bộ bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp cho hay, trước đây khi chưa có chính sách hỗ trợ gạo, ý thức người dân còn hạn chế. Bà con vẫn chặt phá rừng, bán cây, gỗ để trang trải cuộc sống. Hiện nay, người dân đã nhận thức được việc chăm sóc, bảo vệ rừng vì vừa được hỗ trợ gạo vừa có thể khai thác rừng trồng khi đủ năm cho phép. Người dân mong muốn có thêm các chính sách như chương trình hỗ trợ gạo để bà con ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với rừng.
Đến nay, trên địa bàn huyện biên giới Sốp Cộp có gần 6.000 nhân khẩu thuộc diện được hỗ trợ gạo thông qua Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 21/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc hỗ trợ lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Từ chương trình hỗ trợ gạo cũng như số tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn đã khoanh nuôi khoảng 4.000 ha rừng, bảo vệ khoảng hơn 11.000 ha rừng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Vũ Văn Quân cho biết, dự kiến giai đoạn 2021-2025 huyện sẽ trồng khoảng 1.600 ha rừng. Trong đó, dự kiến hỗ trợ khoảng 600 tấn gạo cho các hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất và rừng phòng hộ, tiếp tục tạo việc làm, đảm bảo quốc phòng an ninh, góp phần xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, tăng thu nhập cho người dân.
Hữu Quyết