Hiệu quả mô hình “Hiệp đồng lực lượng” trong bảo vệ rừng

Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch sử dụng ghe đi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN
Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch sử dụng ghe đi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai hiệu quả mô hình “Hiệp đồng lực lượng” giữa cán bộ Kiểm lâm ở cơ sở và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, góp phần bảo vệ sự bình yên của những cánh rừng. Mô hình “Hiệp đồng lực lượng” phát huy những ưu điểm nổi bật trong bảo vệ rừng như: Giải bài toán về lực lượng bảo vệ rừng phân tán mỏng; tăng cường khả năng phối hợp tuần tra, trao đổi thông tin cũng như giám sát lẫn nhau để hạn chế tối đa những tiêu cực có khả năng xảy trong quá trình thực thi công vụ…

Hiệu quả mô hình “Hiệp đồng lực lượng” trong bảo vệ rừng ảnh 1Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch sử dụng thiết bị máy tính bảng và hệ thống định vị để xác định vị trí tuần tra. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Thay quân, đổi người chỉ huy hàng tháng

Đã thành thường lệ, vào dịp cuối tháng, tại Trạm Kiểm lâm Chà Lệnh - Mù Nú nằm trên khu vực thượng nguồn sông Hữu Trạch thuộc xã Hương Nguyên, huyện miền núi biên giới A Lưới, lại diễn ra buổi giao quân và đổi “tướng” chỉ huy.

Trưởng Phòng Thanh tra, pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế) Đặng Văn Kiệm cho biết, việc giao quân và thay đổi người chỉ huy vào dịp cuối tháng đã trở thành công việc thường xuyên ở đây kể từ khi Ban Chỉ huy lực lượng phối hợp tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch được thành lập từ cuối năm 2017. Việc luân chuyển không chỉ giúp tăng cường lực lượng bảo vệ rừng tại những địa bàn trọng yếu mà còn khiến cho các đối tượng lâm tặc phải từ bỏ âm mưu tiếp cận, “mua chuộc” lực lượng giữ rừng.

Hiệu quả mô hình “Hiệp đồng lực lượng” trong bảo vệ rừng ảnh 2Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch sử dụng ghe đi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Xuất phát từ chân đập thủy điện Bình Điền, những chiếc ghe máy đưa Đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế vượt qua mặt hồ thủy điện rộng lớn hướng về thượng nguồn sông Hữu Trạch. Khi những chiếc ghe bắt đầu rẽ vào khu vực sông Hữu Trạch, mọi thông tin liên lạc với bên ngoài bị gián đoạn do ở đây không có sóng điện thoại, xung quanh là cảnh tượng hùng vĩ của núi rừng hoang sơ, với những cây gỗ cổ thụ mọc vươn cao sừng sững giữa rừng xanh. Đây chính là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng bảo vệ rừng.

Sau gần 2 giờ ngồi trên ghe máy đi sâu vào thượng nguồn sông Hữu Trạch, Đoàn công tác đã đến được Trạm Kiểm lâm Chà Lệnh-Mù Nú nằm trên một khu đất cao, bên cạnh dòng suối, nơi có vị trí được ví như “yết hầu” trấn giữ, kiểm soát mọi hoạt động ra vào khu vực rừng già. Trước đây, Trạm Kiểm lâm Chà Lệnh-Mù Nú chỉ có 5 cán bộ nhưng từ khi thành lập Ban Chỉ huy lực lượng phối hợp tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch, đây được xem như “đại bản doanh” với quân số lên tới 28 người gồm lực lượng của Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, Ban Quản lý và Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, Nam Đông và A Lưới. Lực lượng phối hợp tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát toàn bộ hoạt động liên quan đến 21 tiểu khu rừng đặc dụng, phòng hộ, với tổng diện tích lên tới trên 22.565 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 20.945 ha.

Hiệu quả mô hình “Hiệp đồng lực lượng” trong bảo vệ rừng ảnh 3 Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Trong đợt bàn giao nhiệm vụ lần này, anh Phạm Văn Thắng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cửa rừng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La sẽ bàn giao chức Chỉ huy trưởng lực lượng phối hợp tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch mà anh đã đảm nhiệm trong vòng một tháng qua cho người khác.

Anh Phạm Văn Thắng cho biết: Trên tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch, trữ lượng lâm sản còn nhiều, trong đó có nhiều loại gỗ quý như kiềng kiềng, lim, gõ… Trước đây, khu vực thượng nguồn sông Hữu Trạch là một trong những điểm nóng, phức tạp về nạn phá rừng ở Thừa Thiên - Huế. Các đối tượng thường lợi dụng địa hình sông nước, sử dụng thuyền máy để kéo bè gỗ ra khỏi cửa rừng vào ban đêm, có khi còn dùng cả gạch đá để chống trả lực lượng chức năng. Lực lượng giữ rừng khi đó bị phân tán mỏng nên không đủ sức truy quét, ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên, những năm gần đây, với việc thay đổi cách thức phối hợp tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, khu vực rừng ở thượng nguồn sông Hữu Trạch đã dần đi vào ổn định, không còn tình trạng “chảy máu rừng” như trước. Nhiều đối tượng lâm tặc đã phải “giải nghệ”, chuyển đổi sang những ngành nghề khác.

Hiệu quả mô hình “Hiệp đồng lực lượng” trong bảo vệ rừng ảnh 4Lực lượng kiểm lâm đóng cọc tre làm vật cản ngăn lâm tặc sử dụng ghe máy công suất lớn kéo gỗ qua trạm gác của đơn vị. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Với việc tăng cường quân số, Ban Chỉ huy lực lượng phối hợp tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch đã tổ chức thường xuyên các đợt truy quét, ngăn chặn khai thác lâm sản tại gốc, những “điểm nóng” phát sinh đều được phát hiện sớm để xử lý kịp thời. Tại vị trí bên bờ suối ở Trạm Kiểm lâm Chà Lệnh- Mù Nú, Ban Chỉ huy còn thành lập hai chòi canh dã chiến, buổi tối có 3 ca trực, mỗi ca từ 3-4 người, sử dụng đèn pin để quan sát dưới dòng suối. Lực lượng giữ rừng ở đây còn thiết kế hệ thống bóng điện chiếu sáng từ nguồn điện phát máy nổ thắp sáng khu vực con suối độc đạo ra vào cửa rừng, dưới lòng suối có hệ thống cọc tre để ngăn cản lâm tặc liều lĩnh sử dụng thuyền máy công suất lớn kéo gỗ vượt qua. Bên cạnh việc tập trung lực lượng mạnh tại Trạm Kiểm lâm Chà Lệnh-Mù Nú, Ban Chỉ huy vẫn duy trì lực lượng tại Trạm Kiêm lâm cửa rừng Đường 74 và Trạm Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy tại khe Hụp để phối hợp.

Nhân rộng mô hình

Thời gian đầu mới thành lập thí điểm, lực lượng phối hợp tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch gặp không ít khó khăn. Đây là mô hình mới, lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đóng quân cùng một chỗ, cùng sinh hoạt, phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung. Do vậy, việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng quy chế làm việc giữ vai trò rất quan trọng. Hàng tháng, chỉ huy lực lượng phối hợp được luân phiên giao cho những cán bộ kiểm lâm có kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất.

Hiệu quả mô hình “Hiệp đồng lực lượng” trong bảo vệ rừng ảnh 5Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch kéo ghe máy ở những đoạn suối cạn nước, trong quá trình đi tuần tra. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông Nguyễn Duy Bình cho biết, với mô hình “Hiệp đồng lực lượng”, sức mạnh của lực lượng giữ rừng được tăng cường rõ rệt. Các đợt tuần tra của lực lượng phối hợp được nâng lên, qua đó ngăn chặn không cho người vào rừng, lâm sản ra khỏi rừng. Khác với trước đây, việc truy quét không có cơ chế giám sát và khó đánh giá hiệu quả, nay tất cả các tuyến tuần tra, truy quét đều được giám sát thông qua việc ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và cập nhật tuyến tuần tra vào phần mềm SMART có thể truy xuất ra bản đồ truy quét. Nhờ vậy, kết quả tuần tra, truy quét được minh bạch, chính xác, có sự giám sát lẫn nhau giữa các đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý tài nguyên rừng.

Theo Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy Trần Phú Châu, công tác quản lý và bảo vệ rừng của cả nước cũng như tỉnh Thừa Thiên - Huế được phân theo từng huyện, từng địa bàn và từng đơn vị chủ rừng. Mỗi Trạm Kiểm lâm, Trạm Bảo vệ rừng có khoảng 4-5 người; do địa bàn rộng, cùng với thực hiện chế độ nghỉ, đi họp, đi tuần tra nên tại các trạm thường xuyên chỉ có 2-3 người, không đủ sức ngăn chặn, bắt giữ lâm sản vận chuyển trái phép. Thêm vào đó, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các Ban Quản lý rừng không có vũ khí, quyền năng pháp lý thấp, việc bắt giữ đối tượng vi phạm và lập hồ sơ vụ việc bị hạn chế. Việc kết hợp lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách sẽ bổ trợ cho nhau, khắc phục được những hạn chế trên. Mô hình “Hiệp đồng lực lượng” ra đời đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ rừng hiện nay. 

Hiệu quả mô hình “Hiệp đồng lực lượng” trong bảo vệ rừng ảnh 6 Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch kiẻm tra số lượng gỗ thu giữ từ lâm tặc. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Từ những kết quả đạt được, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhân rộng mô hình này ra tuyến Tả Trạch, Hương Điền và khu vực lòng hồ thủy điện Bình Điền. Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai, hoạt động của mô hình “Hiệp đồng lực lượng” bảo vệ rừng đã đi vào nề nếp, nhận được sự ủng hộ cao của chính lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn, đây là căn cứ pháp lý quan trọng để phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế ưu tiên dành nguồn lực từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nơi làm việc, lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời, trang bị các loại phương tiện hiện đại như máy tính bảng, điện thoại vệ tinh… để lực lượng phối hợp bảo vệ rừng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, với trên 57%. Tổng diện tích rừng của tỉnh chiếm khoảng 311.206 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 211.373 ha.

Đỗ Trưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm