Lý Sơn trồng hành, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP

Nông dân huyện đảo Lý Sơn phân loại tỏi khô. Ảnh: Thanh Long - TTXVN
Nông dân huyện đảo Lý Sơn phân loại tỏi khô. Ảnh: Thanh Long - TTXVN

Để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng cũng như bảo vệ chính sức khỏe của chính mình, người nông dân Lý Sơn đã dần từ bỏ thuốc diệt cỏ hóa học, phân bón hóa học để cải tạo đất; thậm chí người dân đã không còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong việc sản xuất hành, tỏi.

Lý Sơn trồng hành, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP ảnh 1Nông dân huyện đảo Lý Sơn phân loại tỏi khô. Ảnh: Thanh Long - TTXVN

Thay vào đó, nhiều người dân đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh tự chế để cải tạo đất và chăm bón cây trong quá trình sinh trưởng. Đây được xem là mô hình hướng đến trồng tỏi, hành bền vững cho huyện đảo Lý Sơn và cung ứng cho người tiêu dùng sản phẩm hành, tỏi sạch và an toàn; đưa thương hiệu tỏi Lý Sơn đến với người tiêu dùng trong cả nước.

Ông Đặng Tấn Thành trưởng phòng kinh tế hạ tầng Nông thôn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Xây dựng nền nông nghiệp sạch luôn được huyện Lý Sơn đưa lên ưu tiên hàng đầu. Do đó, trong năm 2021, huyện sẽ tiến hành xây dựng mô hình trồng khoảng 1.000m2 hành sạch, giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất từ đó nhân rộng cho người dân trên huyện đảo.

Theo ông Đặng Tấn Thành, hiện nay hầu như 325 ha diện tích trồng tỏi trên huyện đảo vẫn được trồng theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, vài năm qua đã có có một vài cá nhân, doanh nghiệp trồng tỏi đã mạnh dạn đầu tư trồng hành, tỏi theo hướng nông nghiệp sạch, tiên phong đi đầu trong phong trào trồng hành, tỏi sạch trên địa bàn huyện đảo.

Để không ngừng nâng cao giá trị, giá thành cho hành, tỏi Lý Sơn; đồng thời bảo vệ môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, ông Đặng Tấn Thành khẳng định: Huyện đang khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đồng thời xây dựng các mô hình trong việc phát triển sản xuất hành, tỏi theo phương thức hữu cơ đạt chuẩn VietGAP từ đó nhân rộng cho tất cả các xã trên địa bàn.

Anh Phạm Văn Công - Giám đốc Công ty CP Dori Lý Sơn chia sẻ, bốn năm qua, Công ty đã hợp tác cùng 10 hộ nông dân áp dụng phương thức sản xuất hành, tỏi theo phương thức hữu cơ và đã cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, công ty Dori cùng với các hộ dân canh tác trên khoảng 3ha trồng hành, tỏi mà không sử dụng phân, thuốc hóa học, kể cả thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay là thuốc trừ nấm, giúp môi trường xung quanh trở nên an toàn.

Đặc biệt, nhờ sử dụng phương pháp trồng mới mà chất lượng tỏi cũng cao hơn, bảo quản được lâu hơn, các tinh chất có lợi trong tỏi cũng cao hơn so với tỏi trồng theo cách trước đây.

“Để bón cho hành tỏi, người dân thường sử dụng phân chuồng, phân xanh và phân hữu cơ vi sinh từ Nhà máy xử lý rác thải Lý Sơn để cải tạo đất. Các loại phân này giúp việc cải tạo đất trở nên dễ dàng, vì đất không bị chai cứng. Công nghệ này không dùng cát trắng mới hoàn toàn như cách trồng truyền thống, chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất, tổng hợp đạm từ không khí, phân hủy các chất hữu cơ khó tiêu trong đất và tạo cân bằng hệ sinh thái trong môi trường đất.” anh Phạm Văn Công giải thích thêm.

Đại diện các hộ nông dân cũng cho hay, sử dụng phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp đất tơi xốp hơn và không làm đất bị thái hóa như phân hóa học. Nếu như lúc trước, người dân hay dùng phân vô cơ bón lót, sau nửa tháng xuống giống, hành, tỏi có hiện tượng vàng lá là bón thúc urê. Tuy nhiên, đến nay để bảo vệ môi trường, nhiều hộ dân trên địa bàn đã không còn dùng sản phẩm này nữa.

Sỹ Thắng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm