Long An tập trung đầu tư bài bản những sản phẩm du lịch đặc sắc

Du lịch sông nước là một sản phẩm đặc trưng được ưa chuộng tại Long An. Ảnh: Đức Hạnh
Du lịch sông nước là một sản phẩm đặc trưng được ưa chuộng tại Long An. Ảnh: Đức Hạnh

Ngày 31/10, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Long An tổ chức Chương trình liên kết du lịch giữa tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19. Các ý kiến tại hội nghị cho rằng Long An chưa khai thác hết tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương. 

Long An tập trung đầu tư bài bản những sản phẩm du lịch đặc sắc ảnh 1Quang cảnh hội nghị liên kết phát triển du lịch sau dịch COVID-19 giữa tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Báo cáo về việc thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An từ năm 2011 đến nay, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt một số kết quả hợp tác khả quan. 
 
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh xác định Long An nói riêng và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phù hợp với thị trường khách du lịch Thành phố Hồ Chí Minh như sản phẩm du lịch gắn với sông nước miệt vườn, du lịch sinh thái dã ngoại, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch gắn với ẩm thực đồng quê Nam Bộ… Ngược lại, Long An cũng là thị trường khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh với các sản phẩm du lịch chủ lực như: Du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - lịch sử…

Tuy nhiên, quá trình liên kết phát triển du lịch giữa Long An và Thành phố Hồ Chí Minh còn số tồn tại, hạn chế như: Liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết với 2 địa phương chưa được phát huy và tạo ra các chương trình, sản phẩm mới; đặc biệt là các chương trình du lịch từ Long An đến Thành phố Hồ Chí Minh chưa được quan tâm đúng mức.

Các chương trình du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Long An tập trung vào tour ngắn ngày; hạ tầng giao thông đến các điểm sinh thái, đặc trưng tại Long An (Khu du lịch Cánh đồng bất tận); cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm tại Long An cần được đầu tư nhiều hơn để tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch, để khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách…

Long An tập trung đầu tư bài bản những sản phẩm du lịch đặc sắc ảnh 2Du lịch sông nước là một sản phẩm đặc trưng được ưa chuộng tại Long An. Ảnh: Đức Hạnh

Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đề xuất phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng công tác quản lý Nhà nước tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn và Bản đồ số du lịch an toàn; chú trọng công tác phối hợp triển khai các hoạt động tại chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, chất lượng, có chiều sâu và mang lại giá trị cho cộng đồng làm du lịch; phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch các địa phương và doanh nghiệp các địa phương để triển khai các hoạt động liên kết hợp tác. 
 
Về công tác phát triển sản phẩm, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cần tăng cường các hoạt động liên kết giữa hai địa phương và hoạt động liên kết vùng để tạo nên các sản phẩm chung, chính sách chung, nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp cho khách du lịch để trải nghiệm “Một hành trình - nhiều điểm đến”.

Trước mắt, tập trung phát triển sản phẩm chung Củ Chi - Mộc Hóa với chủ đề “Sức sống những hành trình xanh”. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, các địa phương cần tập trung phối hợp truyền thông điểm đến: các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông việc tái khởi động ngành du lịch với thông điệp: “Du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 Thành phố Hồ Chí Minh, các trang mạng xã hội giữa các địa phương; triển khai các hoạt động quảng bá, ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã được công bố trong các hoạt động du lịch tại các địa phương…
 
Tham gia khảo sát các địa điểm du lịch tại Long An, đại diện các công ty du lịch cho rằng: Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng tại các vùng giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, tuy nhiên người dân chưa được đào tạo, tập huấn để nâng cao vai trò của du lịch cộng đồng địa phương.

Địa phương cần đầu tư hơn, chuyên nghiệp hơn các sản phẩm du lịch, đầu tư xứng đáng với tiềm năng hiện có nhằm hướng tới không chỉ thu hút du khách trong nước mà cả nước ngoài… Đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng chia sẻ với những khó khăn về đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông cho phát triển du lịch. Bà Phan Thị Thắng cho rằng, nguồn lực có hạn nên không phải thích là làm một ngày, một bữa.

Theo bà Thắng, trước mắt Long An cần xác định những điểm trọng tâm, trọng điểm du lịch của tỉnh và có kế hoạch cụ thể thực hiện trong thời gian ngắn hạn. Trong đó, bà đặc biệt quan tâm đến du lịch dược liệu vùng Đồng Tháp Mười - một đặc trưng của Long An mà không ở đâu có.

Bà mong muốn và kêu gọi các công ty lữ hành tập trung kết nối, phát huy những thế mạnh của Long An, trong đó khai thác phải đi đôi với đầu tư, giữ gìn và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sẽ đưa nhà đầu tư chiến lược về cho địa phương lựa chọn.

Long An tập trung đầu tư bài bản những sản phẩm du lịch đặc sắc ảnh 3Du khách tham quan tại Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: Đức Hạnh

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út bày tỏ: Thời điểm này Long An thực sự chưa có sản phẩm du lịch nào chỉn chu, hoàn chỉnh, dù đã nỗ lực liên kết phát triển một thời gian nhưng du lịch Long An hầu như chưa có gì mới.

Ông Nguyễn Văn Út cho biết địa phương đang dần khắc phục những hạn chế, trước mắt trong nhiệm kỳ này sẽ tập trung hoàn thiện các điểm kết nối giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh qua Long An và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Bên cạnh đó, mặc dù hiện tại sản phẩm du lịch có nhiều, nhưng chưa có điểm nhấn, địa phương sẽ chọn ra những điểm du lịch tiêu biểu để đầu tư bài bản và hoàn chỉnh hơn.

Đặc biệt, xác định làm du lịch phải chuyên nghiệp, không nửa vời, ông đề nghị các sở, ngành Long An tiếp tục kết nối các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh, từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp và chuyên nghiệp hơn.

Long An tập trung đầu tư bài bản những sản phẩm du lịch đặc sắc ảnh 4Nằm bên sông Vàm Cỏ Đông yên bình, cách thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 50km, Làng cổ Phước Lộc Thọ (ở tỉnh lộ 824, xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) được Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận đây là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam. Đến đây, du khách có thể tìm về cội nguồn dân tộc bên những ngôi nhà cổ có tuổi đời 150 năm, đặc trưng ba miền của Tổ quốc. Làng cổ Phước Lộc Thọ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An cho phép mở cửa đón khách kể từ đầu tháng 11 này. Trong ảnh: Nhà rường 5 gian miền Nam của một võ quan tại Làng cổ Phước Lộc Thọ - căn nhà được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nhà 5 gian lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Minh Hưng

Cùng ngày, đoàn tham dự Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa Long An và Thành phố Hồ Chí Minh đã có hành trình khảo sát tại một số điểm du lịch trên địa bàn Long An: Làng cổ Phước Lộc Thọ (huyện Đức Hòa), Khu du kịch Cánh Đồng bất tận và Khu du lịch Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa)./.

Đức Hạnh

(Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm