Ngày 17/11, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị đánh giá sản phẩm du lịch hiện có và tiềm năng phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết, Festival gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh đang diễn ra tại địa phương thể hiện quyết tâm của tỉnh chọn tài nguyên du lịch và điểm du lịch để phát triển trong thời gian tới nhằm mục tiêu quảng bá, mời gọi đầu tư và phát triển làng nghề sản xuất gạch gốm hàng trăm năm tuổi trở thành khu du lịch đa dạng, tạo đột phát cho ngành Du lịch Vĩnh Long.
Hội nghị đánh giá sản phẩm du lịch hiện có và tiềm năng phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng là dịp để ngành Du lịch các tỉnh thuộc Cụm liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (gồm Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Long An, Đồng Tháp), các doanh nghiệp cùng thảo luận giải pháp liên kết phát triển sản phẩm du lịch thời gian tới.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cụm liên kết phía Đông nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm vẫn còn đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu tính kết nối, nhiều sản phẩm còn trùng lặp nên chưa tạo được sức hấp dẫn để thu hút khách lưu trú. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch riêng của từng địa phương, từng bước cùng nhau tạo nên bộ sản phẩm đặc thù của vùng, tăng sức cạnh tranh và hấp dẫn cho du lịch từng địa phương. Các địa phương trong cụm cần làm tốt công tác nghiên cứu thị trường, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc du khách.
Ông Hà Văn Siêu lưu ý, các địa phương cần tôn trọng giá trị địa phương, đặc biệt là văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Sản phẩm dựa trên văn hóa bản địa phải thu hút cộng đồng vào cuộc, định hướng và tư vấn để phát huy sức mạnh của cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong phát triển hạ tầng du lịch, thực hiện hiệu quả hơn công tác đào tạo nhân lực ngành Du lịch, đa dạng và đổi mới nội dung quảng bá du lịch, tăng cường các kênh quảng bá để thu hút du khách.
Trong khuôn khổ hội nghị, trước đó các đại biểu đã có chuyến khảo sát điểm đến và sản phẩm du lịch của các tỉnh trong cụm với 2 hành trình là “Hành trình sắc màu vùng biên” đi qua các tỉnh Long An - Tiền Giang - Đồng Tháp - Vĩnh Long và “Hành trình từ sông ra biển” đi qua Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long. Qua đó, các đại biểu đánh giá, các địa phương có sản phẩm du lịch phong phú, còn nhiều dư địa để khai phá và mở rộng các mối liên kết nội vùng về sản phẩm, liên kết mở rộng ra cả nước để khai thác tour, tuyến. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay là hạ tầng du lịch chưa đáp ứng, nhân lực chưa đủ chuyên nghiệp trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, nhiều sản phẩm du lịch trùng lặp...
Các đại biểu đề xuất địa phương cần phải “bắt tay” hành động, nhận diện và xác định sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương trong cụm, đầu tư phát triển tạo nét riêng biệt cho sản phẩm du lịch, quan tâm đến công tác đầu tư hạ tầng, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực phục vụ tại các khu, điểm du lịch…
Dịp này, các doanh nghiệp du lịch đã ký ghi nhớ thỏa thuận hợp tác khai thác du lịch nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch theo hướng liên kết vùng trong thời gian tới.
Lê Thúy Hằng