Huyện vùng cao Than Uyên (tỉnh Lai Châu) là nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc với sự đa dạng về sắc màu văn hóa. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nhiều giải pháp đã và đang được huyện triển khai với những cách làm hay, thiết thực, phù hợp. Từ đó, tạo động lực phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điểm sáng bảo tồn bản sắc văn hóa
Một trong những giải pháp để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã được huyện thực hiện hiệu quả thời gian qua là đưa các trò chơi dân gian, điệu múa, làn điệu dân ca, phong tục văn hóa, nghề truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa và tiết học để duy trì, truyền lại cho thế hệ trẻ.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung, các thầy cô đã có nhiều sáng kiến trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Không có kinh phí để mua sắm trang phục, nhạc cụ và thực hiện các không gian trưng bày văn hóa, các thầy cô giáo và học sinh nơi đây đã huy động, thành lập những câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: Khâu thêu, văn nghệ, trò chơi dân gian, múa khèn, chợ phiên.
Em Lò Thị Ngọc (học sinh lớp 5A2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung) cho biết, ngoài học tập các môn chính, em còn được học khâu thêu, may vá, các tiết mục múa Thái, ném Pao của các bạn người Mông... Tại không gian văn hóa của nhà trường, chúng em được chia thành các nhóm để tự giới thiệu về dụng cụ, trang phục, nhạc cụ của dân tộc mình. Qua những buổi học này, em càng thêm tự hào về giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời mong muốn các tiết học này được duy trì và có nhiều bạn trẻ ở khắp mọi miền biết đến không gian văn hóa của nhà trường.
Thầy Thào A Rủa (giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung) chia sẻ, đa phần học sinh của trường là người dân tộc. Là người dân tộc Mông nên thầy luôn mong muốn các em giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ mong muốn đó, thầy đã đề xuất nhà trường thành lập Câu lạc bộ múa khèn do thầy làm chủ nhiệm và trực tiếp truyền dạy cho học sinh.
Tại không gian văn hóa của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Tà Mung, học sinh đang được thầy cô truyền dạy những làn điệu sáo, khèn và các tiết mục văn nghệ truyền thống. Em Hà Thị Kiều Như (dân tộc Thái, học sinh lớp 8A2, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Tà Mung) cho biết, em rất vui và tự hào khi được học múa, hát những bài hát truyền thống của dân tộc mình. Em mong muốn những điệu múa, câu hát của dân tộc mình sẽ được bảo tồn và ngày càng lan tỏa.
Thầy Phạm Văn Mạnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Tà Mung cho hay, không gian văn hóa được nhà trường thành lập để tổ chức các hoạt động giáo dục, hướng dẫn học sinh những điệu múa, điệu xòe, các trò chơi đặc trưng của dân tộc, giới thiệu nét độc đáo văn hóa thông qua trình diễn các trang phục; khuyến khích các em tham gia tìm hiểu và học hát các làn điệu dân ca của địa phương. Qua đó, các em thêm hiểu biết, có ý thức giữ gìn, phát huy những nét văn hóa của dân tộc.
Việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học được đẩy mạnh, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục cho học sinh toàn huyện. Đến nay, tất cả 23 trường tiểu học, trung học cơ sở của huyện đã thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với hơn 7.000 học sinh tham gia; 22 trong tổng số 35 trường học đã xây dựng không gian văn hóa riêng. Các trường còn lại lồng ghép không gian văn hóa trong “Góc cộng đồng” của thư viện hoặc trong lớp học. Bình quân các trường đều tổ chức ít nhất một lần/tuần hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian trong các buổi chào cờ đầu tuần, hoạt động giữa giờ, các dịp lễ lớn, các hoạt động giáo dục ngoài giờ. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 80% học sinh là người dân tộc thiểu số mặc trang phục của dân tộc mình trong ngày lễ, tiết chào cờ đầu tuần...
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên Đoàn Văn Đạt cho biết, để có được kết quả trên, Phòng đã thực hiện nhiều giải pháp; trong đó chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm tại nhà trường, tuyên truyền để nghệ nhân, nhân dân, cha mẹ học sinh am hiểu về văn hóa các dân tộc tham gia cùng các hoạt động bảo tồn văn hóa tại nhà trường. Phòng tổ chức tập huấn cho đội ngũ nòng cốt các trường, mời nghệ nhân Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian của huyện trực tiếp lên lớp. Bên cạnh đó, Phòng chỉ đạo các trường xây dựng không gian bảo tồn văn hóa các dân tộc để trưng bày các sản phẩm văn hóa các dân tộc và là địa điểm sinh hoạt cho các câu lạc bộ, tổ chức truyền dạy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp các dân tộc cho học sinh.
Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
Thời gian qua, huyện Than Uyên đã có nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa gắn với du lịch cộng đồng. Địa phương đã cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 6/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “Về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025”; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn triển khai. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia việc bảo tồn, đưa bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào vào phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.
Bà Lương Thị Tý, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, Than Uyên tiếp tục thực hiện, nâng cao chất lượng, quy mô tổ chức các lễ hội; phục dựng và duy trì 4 không gian văn hóa của dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú. Địa phương duy trì hoạt động văn nghệ tại phố đi bộ có biểu diễn của các đội văn nghệ quần chúng đến từ các bản, khu dân cư thu hút du khách thưởng thức, trải nghiệm.
Từ năm 2024, được sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cho phép nâng quy mô tổ chức sự kiện mừng Tết Độc lập tại Than Uyên lên quy mô cấp tỉnh. Ngoài ra, công tác xây dựng các điểm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện được chú trọng quan tâm thực hiện. Qua đó, bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng như: Du lịch cộng đồng dân tộc Mông Bản Huổi B (xã Pha Mu); Chợ phiên bản Nậm Pắt (xã Tà Mung); Chợ đêm Ta Gia (xã Ta Gia); Du lịch cộng đồng bản Thẳm Phé (xã Mường Kim); Du lịch cộng đồng dân tộc Thái khu 9 (bản Khiêng), thị trấn Than Uyên. Ngoài ra, trên địa bàn còn hình thành một số điểm du lịch lòng hồ như: Làng cá Thẳm Phé gắn với Điểm du lịch cộng đồng bản Thẳm Phé, xã Mường Kim, tạo liên kết tuyến du lịch, trải nghiệm lòng hồ từ Thẳm Phé đến vịnh Pá Khôm, xã Pha Mu và ngược lại…
Theo bà Lương Thị Tý, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, hằng năm, huyện đã thu hút hàng vạn lượt du khách. Năm 2023, toàn huyện đã đón 238.000 lượt khách; trong đó, khách lưu trú là 39.383 lượt. Riêng 9 tháng năm 2024, số khách du lịch lưu trú đạt 41.878 lượt người; doanh thu từ du lịch đạt 44,7 tỷ đồng, góp phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của huyện.
Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch trên địa bàn huyện đang dần đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, quảng bá hình ảnh quê hương và con người Than Uyên thân thiện tới du khách thập phương.
Việt Dũng