Lai Châu thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế chủ lực

Trên đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử chủ yếu là hoa đỗ quyên đỏ, nhiều cây cao 10m mọc sát nhau tạo rlên khung cảnh lung linh huyền ảo giữa núi rừng.
Trên đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử chủ yếu là hoa đỗ quyên đỏ, nhiều cây cao 10m mọc sát nhau tạo rlên khung cảnh lung linh huyền ảo giữa núi rừng.

Những năm qua, Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác thế mạnh của một tỉnh biên giới có những ngọn núi hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ và bản sắc văn hóa độc đáo của 20 dân tộc để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) thuộc địa phận xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có độ cao 3.046m so với mực nước biển và cũng là một trong 4 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Mặc dù không phải là đỉnh núi cao nhất, nhưng theo đánh giá của nhiều người leo núi chuyên nghiệp thì Bạch Mộc Lương Tử được cho là đỉnh núi có cảnh quan tươi đẹp nhất. Trên đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử chủ yếu là hoa đỗ quyên đỏ, nhiều cây cao 10m mọc sát nhau tạo rlên khung cảnh lung linh huyền ảo giữa núi rừng.
Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) thuộc địa phận xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có độ cao 3.046m so với mực nước biển và cũng là một trong 4 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Mặc dù không phải là đỉnh núi cao nhất, nhưng theo đánh giá của nhiều người leo núi chuyên nghiệp thì Bạch Mộc Lương Tử được cho là đỉnh núi có cảnh quan tươi đẹp nhất. Trên đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử chủ yếu là hoa đỗ quyên đỏ, nhiều cây cao 10m mọc sát nhau tạo rlên khung cảnh lung linh huyền ảo giữa núi rừng.

Nhiều tiềm năng

Du lịch Lai Châu được biết đến với nhiều cảnh quan kỳ vĩ cùng những ngọn núi cao nhất nhì Đông Dương và cánh rừng tự nhiên nguyên sinh; các bản làng giữ nguyên nét văn hóa đặc sắc mỗi dân tộc. Đây là tiềm năng, lợi thế để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng.

Du khách đến với Lai Châu cảm thấy ngỡ ngàng trước khung cảnh tự nhiên kỳ vĩ. Điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đi từ Sa Pa (Lào Cai) sang Lai Châu là Khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ. Đây là điểm đến, điểm check in tuyệt vời với vẻ đẹp núi rừng hoang sơ đến thơ mộng; từ đây du khách có thể thả mình vào mây núi, được ngắm đèo Ô Quý Hồ (một trong tứ đại đỉnh đèo của núi rừng Tây Bắc) uốn lượn bao quanh sườn núi.

Cách đó không xa, trên cung đường đến với Lai Châu du khách sẽ được tham quan Khu du lịch Cầu kính rồng. Đến đây, du khách sẽ có trải nghiệm hết sức thú vị như: đi thang máy trong lòng núi, săn mây, chụp ảnh cùng những khung cảnh núi non hùng vĩ vừa đẹp, vừa nên thơ.

Ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Du lịch Hi Trarvel Sài Gòn chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Lai Châu. Tôi thấy không khí ở đây rất tuyệt vời, cảnh vật hùng vĩ nên thơ. Là địa điểm lý tưởng để khách tham quan, trải nghiệm”.

Những suối mây trắng tinh bồng bềnh giữ núi rừng bạt ngàn của Tây Bắc tại xã biên giới Ka Lăng, huyện Mường Tè.
Những suối mây trắng tinh bồng bềnh giữ núi rừng bạt ngàn của Tây Bắc tại xã biên giới Ka Lăng, huyện Mường Tè.

Tiếp tục chuyến hành trình du lịch đến với Lai Châu, du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa của các bản du lịch cộng đồng: Sì Thâu Chải, Lao Chải 2, Sin Suối Hồ… Cùng đó, phiên chợ đêm đầy màu sắc của đồng bào các dân tộc tại xã San Thàng, thành phố Lai Châu và cảnh vật thiên nhiên kỳ thú như động Pusamcap, động Tiên Sơn, vịnh Pá Khôm. Đây là những sản phẩm đa dạng của du lịch Lai Châu đến nay đã được khai thác.

Bên cạnh đó, Lai Châu còn rất nhiều tiềm năng về du lịch trekking, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái với những ngọn núi cao nổi tiếng như Putaleng, Pusilung, Bạch Mộc Lương tử, Tả Liên Sơn…

Không chỉ có tiềm năng về thiên nhiên, Lai Châu còn có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa trong suốt chiều dài phát triển của đất nước. Nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia Bia đá khắc ghi bài thơ trấn giữ biên cương của vua Lê Thái Tổ; bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 20 dân tộc cùng sinh sống.

Ước tính hết năm 2023, toàn tỉnh Lai Châu đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 37,1% so với năm 2022; tổng doanh thu du lịch đạt 784,3 tỷ đồng, tăng 41,2%.


Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng du lịch Lai Châu còn chưa xứng với tiềm năng vốn có. Các chuyên gia đánh giá thực trạng du lịch của Lai Châu hiện nay “thừa tiềm năng, thiếu thông tin, ít sản phẩm”; việc khai thác các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, chưa bao hàm nhiều giá trị gia tăng và tính chuyên nghiệp.

Loại hình và sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và cả nước. Cơ sở hạ tầng tại một số điểm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, các dự án đầu tư lớn về du lịch còn hạn chế. Tỉnh cũng chưa tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài, hình ảnh du lịch Lai Châu chưa đến được các thị trường quốc tế. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thiếu đội ngũ lao động chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và porter tại các điểm du lịch. Do đó, hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam chia sẻ, Lai Châu hội tụ chuỗi hệ sinh thái từ du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, mạo hiểm. Tuy nhiên, việc đánh giá định vị thương hiệu điểm đến du lịch của Lai Châu chưa rõ nét; chuỗi cung ứng từ giao thông, nhà hàng, nhân sự chưa đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch; hệ sinh thái còn non so với tỉnh khác. Sản phẩm du lịch cộng đồng của tỉnh chủ yếu các doanh nghiệp tự bơi, tỉnh cần hỗ trợ chính sách về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và xem lại công tác truyền thông.

Để du lịch Lai Châu thực sự có được cú hích lớn, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng tỉnh cần tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường liên kết với các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch thông qua chuyển đổi số; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; định kỳ hàng năm tổ chức các đoàn Famtrip đến địa phương khảo sát sản phẩm, tuyên truyền quảng bá du lịch địa phương… Có như vậy du lịch Lai Châu sẽ cất cánh để lại ấn tượng và mang lại thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ lực

Các Nghị quyết của tỉnh Lai Châu đều xác định đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương trong thời gian tới, có sức lan tỏa, có vai trò thúc đẩy các lĩnh vực khác.

Để thực hiện mục tiêu, những năm gần đây, tỉnh Lai Châu quan tâm đầu tư cho việc phát triển du lịch, thông qua du lịch để cải thiện cuộc sống của người dân. Theo đó, tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Những thửa ruộng bậc thang vàng óng tại huyện Tam Đường (Lai Châu).
Những thửa ruộng bậc thang vàng óng tại huyện Tam Đường (Lai Châu).

Ngoài ra, tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể như: Liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Năm 2024, Lai Châu phấn đấu đón trên 1,1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch khoảng trên 974,7 tỷ đồng, tổng lượt khách du lịch tăng 7,9% so với năm 2023. Đến năm 2025, tỉnh dự kiến đón khoảng 2 triệu lượt khách/năm, đến năm 2030 là 5 triệu lượt khách/năm. Tỉnh nỗ lực hoàn thiện các bản du lịch cộng đồng, hỗ trợ người dân hoàn thiện hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp thực hiện các dự án lớn để du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Lễ hội “Mừng Cơm mới” của dân tộc Khơ Mú ở Lai Châu.
Lễ hội “Mừng Cơm mới” của dân tộc Khơ Mú ở Lai Châu.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng như chất lượng nguồn nhân lực; tập trung nguồn lực khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương; kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Tỉnh phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Việt Hoàng

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm