Lễ đón nhận nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê

Quả lê Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Quả lê Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Ngày 28/8, Ủy ban nhân dân huyện Thạch An (Cao Bằng) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ đón nhận nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê, huyện Thạch An.

Lễ đón nhận nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê ảnh 1 Quả lê Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu lê Đông Khê số 350644 được trao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu thuộc nhóm 31: Quả lê tươi (quả lê được sản xuất từ giống lê vàng Đông Khê)… Theo mô tả, nhãn hiệu chứng nhận có nguồn gốc địa lý là giống lê vàng Đông Khê được trồng tại 10 xã (gồm xã Đức Long, Đức Xuân, Lê Lai, Lê Lợi, Danh Sỹ, Vân Trình, Thái Cường, Trọng Con, Thị Ngân, Thị Hùng) và thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Nhãn hiệu chứng nhận có quả hình cầu, tròn đều, một số ít hơi dẹt hoặc cao thành; vỏ quả khi chín có những đốm nâu sẫm trên nền nâu vàng hoặc nâu phớt xanh; chiều cao quả từ 65 – 72 mm; khối lượng quả trung bình 280 – 400g, tối đa không quá 1,2 kg. Quả có vị ngọt, chát, chua và có hương thơm tự nhiên…

Lễ đón nhận nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê ảnh 2Các nông hộ nhận giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu lê Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Theo ông Lương Ngọc Hữu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch An, lê Đông Khê là sản vật quý của núi rừng, là niềm tự hào của người dân Cao Bằng. Năm 2012, lê Đông Khê lọt top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn. Hiện nay, Thạch An có gần 90 ha lê giống địa phương với khoảng 3,6 vạn cây. Tuy nhiên, lê Đông Khê đang đứng trước nguy cơ mai một với diện tích trồng khiêm tốn và tỷ lệ cây cho hạt chất lượng chỉ chiếm khoảng 20% tổng số cây; 80% số cây đã già, thoái hóa, không ra quả. Thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ đậu quả của lê Đông Khê.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê là giải pháp nhằm bảo tồn nguồn giống bản địa, nâng cao danh tiếng, quảng bá sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc trồng và kinh doanh sản phẩm lê Đông Khê, hướng tới thị trường trong và ngoài nước; đưa cây lê trở thành cây chủ lực, tạo sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.

Để đưa lê Đông Khê tới thị trường trong và ngoài nước, huyện Thạch An cần quy hoạch vùng sản xuất cây lê Đông Khê theo hướng hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Các hộ sản xuất lê Đông Khê cần chấp hành các quy trình, công cụ, biện pháp kỹ thuật trong thâm canh, sản xuất; áp dụng khoa học kỹ thuật vào phục tráng giống, tạo giống và nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp tăng cường kết nối, đồng hành, hỗ trợ các hộ sản xuất xúc tiến thương mại, quảng bá, thúc đẩy thị trường tiêu thụ.

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm