Lão thành Cách mạng một lòng sắt son với Đảng

Lão thành Cách mạng một lòng sắt son với Đảng
Hàng ngày, LTCM Đoàn Hồng Thanh vẫn theo dõi thông tin về tình hình quê hương, đất nước trên báo Cao Bằng và các phương tiện truyền thông.
Hàng ngày, LTCM Đoàn Hồng Thanh vẫn theo dõi thông tin về tình hình quê hương,
đất nước trên báo Cao Bằng và các phương tiện truyền thông.

Tách biệt với cuộc sống sôi động, dòng người tấp nập, con ngõ nhỏ dẫn chúng tôi tới ngôi nhà của LTCM Đoàn Hồng Thanh - một không gian yên tĩnh với sân vườn, cây trái. Trong câu chuyện với chúng tôi, ký ức về sự cùng cực, đói khổ bởi sưu cao thuế nặng dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước rồi những ngày người dân được giác ngộ cách mạng lại hiện về rõ nét. Ông Thanh kể lại: Những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, ách đô hộ của thực dân Pháp khiến nhân dân không có quyền dân chủ. Sự áp bức bóc lột tàn bạo của chúng càng nung nấu ý chí căm thù của quần chúng nhân dân, yêu cầu cháy bỏng đòi hỏi cần có một cuộc đấu tranh giải phóng. Phong trào phản đế diễn ra mạnh mẽ ở khắp cả nước, trong đó có Cao Bằng.

Năm 1939, khi vừa tròn 16 tuổi, chàng thanh niên Đoàn Hồng Thanh cùng bao trai tráng tham gia cách mạng. Trước đó, vào tháng 2/1937, dù còn nhỏ nhưng hưởng ứng phong trào, ông đã tham gia vào đoàn biểu tình biểu dương lực lượng đòi quyền dân chủ, dân sinh. Ông nhớ rõ: Năm đó, phái đoàn điều tra của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp do Gô-đa cầm đầu sang kiểm tra tình hình Đông Dương và lên Cao Bằng. Đoàn biểu tình hàng trăm người nối thành hàng dài tập trung tại khu vực km 5, phường Đề Thám (thành phố Cao Bằng) ngày nay đã tìm mọi cách qua mặt mật thám, tay sai để ngăn đường, tiếp cận Gô-đa đọc yêu sách đòi tự do, quyền dân chủ. Sau đợt đó, quân mật thám đã bắt giữ một số người chủ chốt như đồng chí Hồng Kỳ, đồng chí Lã (tức đồng chí Hoàng Đức Thạc).

Năm 1941, Bác Hồ từ nước ngoài về nước, dừng chân tại Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng, khi đó phong trào cách mạng lên cao, rộng khắp. Ông Thanh tham gia vào Hội Thanh niên cứu quốc, rồi giữ chức Bí thư Đoàn Thanh niên xã Xuân Phách, châu Hoà An. Năm 1943, phong trào huấn luyện tổ chức các đội vũ trang cấp xã, tổng diễn ra sôi nổi, ông giữ vai trò Đội trưởng Đội võ trang Hồng Việt. Lực lượng vũ trang  ngày đó tuy còn ít về số lượng, thiếu thốn về trang bị, nhưng được huấn luyên kỹ càng đảm bảo nguyên tắc, chất lượng, có vai trò rất quan trọng trong hoạt động vũ trang tuyên truyền, góp phần phát triển lực lượng chính trị. Thời điểm phong trào cách mạng rộng khắp cũng là lúc giặc Pháp tăng cường truy lùng, bắt bớ những người làm cách mạng. Do đó, các cuộc họp, hội nghị diễn ra bí mật vào ban đêm, chủ yếu ở các vùng rừng núi, hang đá. Đội võ trang của ông và nhiều đội võ trang khác có trách nhiệm bảo vệ bí mật cơ sở cách mạng, đồng thời tìm cách bắt giữ bọn cường hào, lý trưởng; tuyên truyền vận động gây dựng cơ sở trong nhân dân, vận động đồng bào ủng hộ cách mạng. Ông còn nhớ, năm 1944, các ông Tư Đức (xóm Nà Mạ, xã Vĩnh Quang), Lưu Trân Quân, Đoàn Văn Nịnh - tức Mai Tân bị bắt… Tháng 3/1945, ông trực tiếp tham gia chỉ huy tiểu đội gồm 8 người ở xã Xuân Phách gia nhập Đội Giải phóng quân thứ 2 ở Vò Nuống, xã Nam Tuấn (Hoà An), giữ chức Chính trị viên, Trung đội phó Trung đội Giải phóng quân; đồng chí Lê Trường làm Trung đội trưởng. Ông nhớ nhất là trận đánh quân phỉ ở Thông Nông do các đồng chí Hoàng Đình Giong, đồng chí Bằng Giang (tức Nguyễn Văn Cơ) trực tiếp chỉ huy đã thu giữ hàng trăm khẩu súng các loại trang bị cho quân ta, diệt và bắt sống 300 tên. Cũng trong thời gian đó, ông trực tiếp được bảo vệ đồng chí Tống (tức cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đi gặp và thuyết phục tên sỹ quan của Pháp theo quân Việt Minh.

Tháng 5/1945, ông được tổ chức cử làm Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng Đồn Tà Lùng (Phục Hoà). Những thời khắc lịch sử của ngày giải phóng dân tộc là ký ức theo ông suốt cuộc đời, giọng xúc động, ông nói: Cách mạng Tháng Tám là thành quả của khát vọng lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Ngày 6/1/1946, vinh dự được tham gia tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá 1 huyện Phục Hoà cũng là mốc son tự hào khi ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến tháng 2/1946, ông theo đoàn công tác của Tổng bộ Việt Minh cử lên vùng Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ, giữ vai trò Chủ nhiệm Việt Minh huyện Mộc Châu (Sơn La). Kể đến đây giọng ông chợt nghẹn lại: Chiến tranh khốc liệt, đau xót quá. Thời gian tôi nhận nhiệm vụ tại Sơn La, mẹ mất được hơn 8 tháng tôi mới được tin của gia đình, không kịp về chịu tang mẹ.

Năm 1948, sau khi biết tin mẹ qua đời, ông xin tổ chức về Cao Bằng công tác, làm Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Quảng Uyên. Từ năm 1957 - 1960, làm Bí thư Đảng ủy xã Đề Thám (Hoà An - nay là phường Đề Thám, Thành phố). Quá trình từ đó đến năm 1967, ông còn nhận nhiệm vụ quan trọng như đánh quân phỉ ở Hà Giang. Tháng 8/1967, ông là Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Ban Thương binh và Xã hội trực thuộc Ban Tổ chức dân chính (cán bộ nòng cốt của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ngày nay), tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết các chế độ, chính sách; tổ chức phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân chăm sóc, giúp đỡ những người có công và giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Sau gần 10 năm cống hiến trong ngành, ông về nghỉ hưu theo chế độ năm 1976.

Gia đình có 6 chị em, trong đó, 3 người tham gia cách mạng. Chị cả của ông là Đoàn Thị Bòng (bí danh Thuý Minh) là LTCM, em trai Đoàn Văn Điểm là cán bộ tiền khởi nghĩa. Từ một cậu bé yêu cách mạng, một lòng theo Đảng làm cách mạng, nay LTCM Đoàn Hồng Thanh đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm với gần 70 năm tuổi Đảng.

Tuổi cao gương sáng, LTCM Đoàn Hồng Thanh vẫn không ngừng cống hiến, nhiệt tình tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở, tích cực giáo dục con cháu phát huy truyền thống gia đình, chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Dù sức khỏe và trí nhớ không còn tốt nhưng LTCM Đoàn Hồng Thanh vẫn thường xuyên nghe đài, xem tivi, đọc báo để nắm bắt các thông tin thời sự của đất nước, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách mới của Nhà nước. Trong không khí tưng bừng, náo nức chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng - sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển của đất nước, LTCM Đoàn Hồng Thanh cũng bày tỏ mong muốn, kỳ vọng vào sự thành công của các kỳ Đại hội: “Bây giờ chính trị - kinh tế - xã hội đều hội nhập, pháp triển nhưng cốt lõi để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn sống trung thực, liêm khiết, làm vì dân, vì nước không màng tư danh. Cần phải kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái đạo đức, loại bỏ tư tưởng cục bộ, lạc hậu. Nếu tập thể luôn đoàn kết tốt, thống nhất, thì quê hương, đất nước sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn và tiến tới thành công ngày mai dưới sự lãnh, chỉ đạo sáng suốt, năng động, sáng tạo của Đảng, Nhà nước".
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm