Ông Thái Văn Âu với máy “3 trong 1” có thể tách vỏ ngô, đậu, tuốt lúa. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Hơn 30 năm gắn bó với bà con dân tộc Raglai, ông Thái Văn Âu đã chứng kiến cảnh người dân nơi đây phải thức khuya dậy sớm giã ngô bằng cối để chuẩn bị lương thực vô cùng vất vả. Xuất phát từ suy nghĩ làm sao tiết kiệm được công sức, thời gian cho bà con, năm 2012, ông bắt đầu lên ý tưởng nghiên cứu chế tạo loại máy bóc đi lớp vỏ lụa, mày hạt ngô với hiệu suất cao nhất.
Sau nhiều lần chạy thử thất bại, đến năm 2015, chiếc máy bóc vỏ lụa và mày hạt ngô đã hoạt động tốt. Nhớ lại quãng thời gian chế tạo, ông Âu chia sẻ, bản thân ông mới học hết lớp 7 nên khả năng thể hiện bản vẽ kỹ thuật chi tiết các bộ phận của máy rất hạn chế, ông chỉ hình dung các bộ phận trong đầu rồi vẽ lên tập vở học sinh. Ông vừa làm vừa tham khảo thêm các sách hướng dẫn kỹ thuật rồi tự nghiên cứu, chế tạo.
Chiếc máy bóc vỏ lụa và mày hạt ngô có cấu tạo gọn nhẹ gồm các bộ phận: khung máy; toa; thùng bóc; hộp truyền động; quạt gió; trục cam; sàng; puly; động cơ sử dụng dòng điện 3 pha; mô-tơ điện 15 Hp có vòng quay 1400V/p; dao bóc vỏ hình chữ S và 4 dao đứng. Máy độc đáo ở chỗ trong quá trình hoạt động tạo ra nhiệt kết hợp với ma sát để bóc sạch vỏ lụa và mày hạt ngô, tỷ lệ sạch đạt gần 100%. Theo tính toán, nếu tách thủ công 12 kg ngô phải mất 4 giờ, còn áp dụng máy chỉ cần 8 phút.
Sau lần thử nghiệm đầu tiên thành công, ông Âu tiếp tục nghiên cứu và cải tiến thêm các tính năng của máy. Đến nay, ông đã bán thêm được 4 chiếc máy với giá 6 triệu/chiếc, được người dùng đánh giá cao.
Ông Âu tâm sự: "Trải qua nhiều lần thất bại, người ta gọi tôi là ông Âu “Sắt vụn”. Đến khi tôi chế tạo máy thành công, chứng kiến hiệu quả của việc dùng máy để bóc vỏ lụa và mày hạt ngô, người dân ở đây gọi tôi là “Kỹ sư chế tạo máy làm biếng” vì người phụ nữ Raglai giờ đây không còn phải ngồi tách ngô vất vả như trước nữa. Những tâm huyết làm việc của mình được bà con ghi nhận, đó là niềm động viên tôi tiếp tục nghiên cứu thêm các loại máy mới".
Niềm đam mê sáng tạo máy nông cụ không dừng lại ở đó, khi chứng kiến cảnh bà con phải vận chuyển ngô, đậu từ rẫy xuống rất vất vả vì các loại máy tách vỏ cồng kềnh không thể đưa lên địa hình đồi núi cao. Năm 2018, ông Thái Văn Âu tiếp tục nghiên cứu cho ra đời cỗ máy “3 trong 1” cơ động, gọn nhẹ chỉ cần 2 người khiêng, bà con có thể điều chỉnh thông số kỹ thuật để tách vỏ ngô, đậu, tuốt lúa, tùy thuộc mục đích sử dụng. Hiện nay, máy đã chạy thử nghiệm thành công, trong thời gian tới ông Âu tiếp tục chuyển giao cho bà con. Ngoài ra, ông Âu đang chế tạo, cải tiến một số chi tiết máy cày đất cầm tay để nông dân tự điều chỉnh theo mục đích công việc và điều kiện địa hình canh tác có thể vừa kéo, cày, xới đất mà không cần quay đầu chiếc máy trên đồng ruộng, ít mất thời gian, ít hao nhiên liệu.
Nhận xét về những sáng chế, cải tiến máy nông cụ của ông Thái Văn Âu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ma Nới Kiều Thành Dàng cho biết, bắt nguồn từ những trăn trở trong quá trình sản xuất, ông Âu đã nảy sinh ý tưởng sáng chế, cải tiến được nhiều máy nông cụ, góp phần tăng năng suất lao động cho nông dân ở địa phương. Ngoài sửa chữa các loại máy móc và chế tạo giỏi, ông Âu và gia đình luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương.
Với sản phẩm máy bóc vỏ lụa và mày hạt ngô, ông Thái Văn Âu đã đạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV, năm 2016 - 2017 và giải Khuyến khích Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2017. Hiện nay, ông đã hoàn thành hồ sơ đăng ký công nhận bằng sáng chế cho chiếc máy này. Ông Thái Văn Âu nhiều năm liền được các cấp, ban, ngành của tỉnh Ninh Thuận khen thưởng thành tích nông dân sáng tạo, gương sản xuất giỏi.
Nguyễn Thành