Lào Cai tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Lào Cai tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Là tỉnh vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của cả nước nhưng Lào Cai đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong giáo dục và đào tạo học sinh vùng dân tộc thiểu số. Việc thực hiện tốt các Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; giai đoạn 2021-2025 đã có những đóng góp quan trọng vào thành tích chung của ngành Giáo dục địa phương.

"Tiếng Việt là tiên quyết của chất lượng"

Ngày càng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số của Lào Cai đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và các cuộc thi sáng tạo cấp quốc gia. Điển hình, năm học 2020-2021, hai học sinh người Dao trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở A Mú Sung, huyện Bát Xát đoạt giải Đặc biệt trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Đây là lần đầu tiên học sinh Lào Cai đoạt giải này. Liên tục các năm 2018, 2019, 2021, nhóm học sinh của trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Sín Chéng, Si Ma Cai đều có sản phẩm tham gia và đoạt giải Nhất, Nhì Cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc”.

Cô giáo Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai) cho biết, trong số 315 học sinh của trường chỉ có một học sinh người dân tộc Kinh, học sinh của trường chiếm 80% là người dân tộc Mông. Các thế hệ học sinh trước, khi đến trường học, nhiều em nói tiếng Việt còn hạn chế, đa số nhút nhát, không dám trò chuyện khi gặp người lạ. Những năm học gần đây, các em được học tăng cường tiếng Việt, học chương trình song ngữ Việt - Mông. Do vậy, không chỉ biết đọc, biết viết chữ Mông, nói tiếng Mông giỏi, các em còn được tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt.

Xác định ngôn ngữ và tư duy không thể tồn tại tách rời nhau, cô Bùi Thị Hường cho biết, với phương châm “Tiếng Việt là tiên quyết của chất lượng”, nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng đổi mới và linh hoạt, kết hợp giữa học và hành với Mô hình trường học đa văn hóa. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ, tạo môi trường để học sinh được vui chơi, giao tiếp.

Chia sẻ kinh nghiệm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, cô Vy Thị Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết, trước hết, trường yêu cầu toàn bộ giáo viên phải nói được tiếng đồng bào địa phương (chủ yếu là tiếng Mông và Dao) để làm tốt công tác giao tiếp và dạy học song ngữ cho học sinh. Cùng với đó, trường chú trọng vận động để phụ huynh hiểu được sự quan trọng của tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non 5 tuổi khi chuẩn bị bước vào lớp 1 cũng như quyền và trách nhiệm của phụ huynh trong việc tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi tới trường và học tập...

Nhà trường vận động gia đình chú ý giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt tại nhà để tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Trường đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường tiếng Việt ở không gian bên ngoài lớp học, tăng thời lượng hoạt động ngoại khóa cả ở trường chính và các điểm trường. Trường yêu cầu giáo viên dạy trẻ 5 tuổi thường xuyên trao đổi chuyên môn với giáo viên lớp 1 để tìm hiểu những yêu cầu chung từ đó có cách hướng dẫn dạy trẻ phù hợp, bảo đảm sự liên thông kiến thức, nhận biết khi bước vào lớp 1.

Cũng theo cô Uyên, năm học tới, trường có 87 trẻ bước vào lớp 1. 100% số trẻ 5 tuổi đã cơ bản đạt được yêu cầu chung của chương trình, nói thông thạo tiếng Việt… Đây là tiền đề vững chắc để trẻ nhanh chóng tiếp cận chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới.

Tăng cường các nguồn lực

Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh, nhiều địa phương tại Lào Cai đã làm tốt công tác tuyên truyền, xã hội hóa giáo dục; tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị dạy và học; hoàn thiện môi trường giáo dục tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số...

Trong những năm qua, từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và đóng góp của phụ huynh, các tổ chức xã hội, huyện Si Ma Cai đã dành gần 15,5 tỷ đồng mua sách, truyện, tài liệu tăng cường tiếng Việt và thiết bị học tập, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh mầm non, tiểu học. Để nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh, giải pháp then chốt là nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên. Từ năm 2016 đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai và các trường đã tổ chức 38 lớp tập huấn, 32 buổi hội thảo chuyên đề cho cán bộ quản lý, giáo viên trong năm học và bồi dưỡng nội dung tăng cường tiếng Việt trong hè.

Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai Nhâm Tiến Đức, mỗi năm, huyện có ít nhất 30% em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 100% em người dân tộc thiểu số từ 3 tuổi trở lên trong các cơ sở mầm non được tăng cường tiếng Việt. 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số đã được tăng cường tiếng Việt bằng nhiều hình thức. Hiện nay, Si Ma Cai có 10 trường xây dựng thành công mô hình mẫu về tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và 10/17 trường thực hiện mô hình điểm về tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, đạt 100% so với mục tiêu đề án.

"Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm và chia sẻ những cách làm hay và giải pháp hiệu quả giúp trẻ em, học sinh người dân tộc thiểu số học tiếng Việt ngày càng tốt hơn”, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai nhấn mạnh.

Tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”, bước vào năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đặt ra mục tiêu có ít nhất 38% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 98% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo. Trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; huy động được 99,9% học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi ra lớp; 100% học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1...

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai Nguyễn Thế Dũng, để đạt được mục tiêu trên, năm 2022, ngành Giáo dục sẽ triển khai đồng thời hàng loạt giải pháp. Các trường học tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi... để xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Nội dung giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số được đưa vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học; lựa chọn, bổ sung tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện cho trẻ em phổ biến cho các trường mầm non, tiểu học ở vùng có người dân tộc thiểu số… Các trường học được yêu cầu áp dụng nguyên tắc dạy và học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số như dạy và học ngôn ngữ thứ hai để có phương pháp phù hợp; quan tâm xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt và giải pháp dạy học tích hợp tiếng Việt cho trẻ và học sinh ở các trường học vùng dân tộc thiểu số...

Ngành Giáo dục Lào Cai sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa giáo dục, huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi hỗ trợ việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, đặc biệt hỗ trợ tài liệu hướng dẫn cha mẹ trẻ chăm sóc, giáo dục tại nhà trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm