Cần tăng cường đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh là đồng bào thiểu số. Ảnh: baodansinh.vn |
Dưới cái nắng 38 độ C, trong căn phòng học cũ của điểm trường Đắk Be, thuộc Trường Tiểu học Sơn Tân, xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây vẫn rộn ràng tiếng cô và trò ôn luyện bài. Năm học 2019-2020, huyện Sơn Tây có khoảng 500 học sinh bước vào lớp 1, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Hre, Ca dong, các em chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.
Để giúp các em tiếp thu, cải thiện vốn tiếng Việt, đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, nhiệt tình, gần gũi. Sau gần 1 tháng, các em đã nhận biết được chữ cái, chữ số, khả năng tiếp thu, nói, viết được cải thiện rõ rệt. Cô Đinh Thị Sim, giáo viên ở điểm trường Đắk Be chia sẻ: Những ngày đầu mới đến lớp, có lúc các em nói cô giáo không hiểu và ngược lại. Do đó, để giúp học sinh nói tiếng Việt thành thạo, nhận biết chữ cái, chữ số, giáo viên phải dùng tất cả tâm huyết, cầm tay chỉ việc cho các em. Năm học 2019-2020, cô được giao về điểm trường này để phụ trách các em lớp 1. Bên cạnh việc dạy tiếng Việt cho các em, dịp hè cũng là thời gian để cô tìm hiểu về hoàn cảnh từng em, từ đó có giải pháp giúp đỡ phù hợp những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc vận động các em đến lớp đầy đủ.
Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-UBND, ngày 17/1/2017. Mục tiêu của Đề án nhằm tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học. Đề án cũng nhằm tạo tiền đề học tập, lĩnh hội tri thức các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số.
Thực hiện Đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo 6 Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện miền núi chủ động bố trí thời gian dạy tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian hè từ 6-8 tuần.
Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi Lê Thị Thành cho biết: Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” gồm 2 nội dung: Tăng cường cho học sinh khối lớp 1, 2, 3 và 4 và tập nói tiếng Việt dành cho trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1…Theo đó, ở khối lớp 1 đến lớp 4, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có thể đã hoặc chưa hoàn thành chương trình năm học nhưng nói tiếng Việt không rõ nên được tăng cường dạy tiếng Việt trong dịp hè, sau đó sẽ có đợt kiểm tra. Với học sinh chuẩn bị vào lớp 1, giáo viên sẽ tập cho các em cách nói câu tròn vành, rõ chữ, cách cầm bút để viết nét nghiêng, nét thẳng… Qua nhiều năm triển khai thực hiện Đề án, nhiều trẻ em người dân tộc thiểu số sau khi vào lớp 1 đã có thể sử dụng tốt tiếng Việt. Nhờ đó chất lượng giáo dục miền núi của tỉnh đã được cải thiện rõ rệt.
Đinh Thị Hương