Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Tây Nguyên

Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 159/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thông báo nêu: Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Quy hoạch vùng Tây Nguyên là một quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, lần đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, trong bối cảnh lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch. Thường trực Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong quá trình lập, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Tây Nguyên để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

vna_potal_vung_tay_nguyen_lam_dong_tap_trung_phat_trien_dong_bo_ha_tang_giao_thong__7286913.jpg
Dự án cải tạo đường đèo Prenn, kết nối thành phố Đà Lạt với cao tốc Liên Khương – Prenn có tổng mức đầu tư 552 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Quy hoạch vùng phải định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở

Để sớm phê duyệt Quy hoạch theo đúng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Quy hoạch.

Trong đó lưu ý nội dung quy hoạch vùng phải định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở; quan điểm, mục tiêu và định hướng phải bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vùng và các địa phương trong vùng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh và các Quy hoạch ngành quốc gia để cụ thể vào quy hoạch vùng bảo đảm đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng an ninh và đối ngoại. Vì vậy, Quy hoạch cần đổi mới tư duy trong huy động nguồn lực thông qua các đột phá về cơ chế, chính sách. Đặc biệt là nguồn lực phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đất đai…

Quy hoạch vùng trước tiên cần nghiên cứu, kế thừa phát huy những kết quả, ưu điểm của các quy hoạch trước đây, đồng thời phải khắc phục được những điểm nghẽn, hạn chế. Vì vậy, Quy hoạch vùng phải xác định rõ các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm để có giải pháp hóa giải những hạn chế, tồn tại. Trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể mang tính đột phá để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại quy hoạch vùng.

Bên cạnh thế mạnh là kinh tế cửa khẩu, vùng Tây Nguyên có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế như: du lịch gắn với văn hóa bản sắc dân tộc, nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxite… Tuy nhiên, các quy hoạch còn thiếu liên kết, chưa đồng bộ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Quy hoạch vùng cần nghiên cứu, đưa ra các định hướng có tính liên kết các ngành, lĩnh vực của vùng, đặc biệt là các ngành có tiềm năng, lợi thế.

Xem xét, phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên trong tháng 4/2024

Tại Thông báo, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung cụ thể cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng.

Cụ thể:

Về phát triển không gian giao thông: Nghiên cứu, bổ sung giải pháp, phương án cụ thể để phát triển liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ; đảm bảo kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Về phân chia các tiểu vùng: Rà soát, xác định rõ cơ sở, tiêu chí việc phân chia các vùng để bảo đảm được liên kết không gian các tiểu vùng; thúc đẩy, hỗ trợ phát triển của tiểu vùng và toàn vùng.

Về văn hóa, du lịch: nghiên cứu, phát triển theo hướng phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường, tạo thương hiệu cho du lịch vùng. Tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu, tuyến du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bản sắc văn hóa của vùng.

Về y tế, giáo dục: Nghiên cứu các giải pháp mang tính đột phá về hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục. Trong đó, nghiên cứu đầu tư trường học chất lượng cao, tăng cường xây dựng trường nội trú; nghiên cứu xây dựng bệnh viện cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng tại Tây Nguyên.

Về nông nghiệp: Nghiên cứu, bổ sung các giải pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ. Tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực, cây công nghiệp, cây dược liệu bảo đảm môi trường gắn với công nghiệp chế biến.

Về công nghiệp: Xác định rõ tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, các sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite. Trên cơ sở rà soát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Về Danh mục các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện: Hiện nay, nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát các dự án tại Danh mục dự án bảo đảm đúng quy định của Luật Quy hoạch, thống nhất với các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2024.

Quy hoạch vùng Tây Nguyên sau khi được phê duyệt, thực hiện công bố theo quy định, làm tốt công tác truyền thông đến các cơ quan, người dân để biết, thực hiện.

TTXVN

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm