Từng bước đưa thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Theo thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND thành phố Buôn Ma Thuột để triển khai quy trình mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 9/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

vna_potal_dak_lak_xay_dung_thanh_pho_buon_ma_thuot_thanh_trung_tam_vung_tay_nguyen_6438204.jpg
Khu vực ngã 6, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Cụ thể, hiện nay các cơ quan đang triển khai, nghiên cứu, rà soát, thu thập tài liệu đánh giá các tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, tổ chức lấy ý kiến nhằm xác định phương án, ranh giới mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột để phù hợp với quy hoạch tổng thể của Quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên, quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột và các quy hoạch khác có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột được thực hiện đảm bảo đúng các nguyên tắc, trình tự, quy trình, thủ tục của pháp luật. Đồng thời nhằm định hướng phát triển không gian của thành phố, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng, kết nối hệ thống giao thông thành phố Buôn Ma Thuột với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường hàng không vào khu vực trung tâm đô thị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, việc triển khai các bước mở rộng địa giới hành chính Buôn Ma Thuột có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Do đó, các cơ quan, đơn vị của tỉnh triển khai các bước kỹ lưỡng, khoa học, đúng quy định của pháp luật...

“Trong thời gian qua đã xuất hiện những thông tin chưa chính xác về việc sáp nhập một số địa phương lân cận vào thành phố Buôn Ma Thuột nên người dân, doanh nghiệp cần nắm rõ các thông tin để tránh gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Nguyễn Tuấn Hà cho hay.

Vừa qua, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống; Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê thế giới", trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Buôn Ma Thuột đang triển khai các cơ chế chính sách đặc thù của thành phố theo Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội nhằm phát triển thành phố theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính Trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột cùng quá trình triển khai các quyết sách của Trung ương sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và từng bước đưa thành phố phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, sinh thái, bản sắc, là thành phố đáng sống, đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo định hướng của Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 9/7/2021 của Chính phủ.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm