Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Bài 2)

Bài 2: Phấn đấu trở thành cực tăng trưởng vùng trung du và miền núi phía Bắc

Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 giữ vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng, ngành, lĩnh vực. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về những nội dung liên quan để làm rõ hơn định hướng phát triển của tỉnh.

vna_potal_chu_tich_ubnd_tinh_lang_son_tra_loi_phong_van_ve_quy_hoach_thoi_ky_2021-2030_tam_nhin_den_nam_2050_7332721.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu trả lời phỏng vấn phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

*Xin ông cho biết, việc quy hoạch tỉnh Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh?

- Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển đến năm 2030 và dài hạn; trong đó, định hướng phát triển không gian, lãnh thổ; phân vùng kinh tế, xác định động lực và trụ cột phát triển với các nhiệm vụ trọng tâm đột phát để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cũng định hướng phương án phát triển cho các ngành, lĩnh vực quan trọng và hình thành khung định hướng phát triển chiến lược, giúp tỉnh nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa lợi thế của địa phương.

Quy hoạch tỉnh đã cụ thể hóa, sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn để sử dụng các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Đây là căn cứ để tỉnh hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xác định các chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp cho các nhà đầu tư và nhân dân những thông tin cần thiết về tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách và cơ hội đầu tư.

Quy hoạch tỉnh được phê duyệt đã loại bỏ các quy hoạch chồng chéo cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Quy hoạch đã thống nhất kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, bố trí hợp lý, giải quyết các vấn đề xung đột về không gian trên địa bàn tỉnh và định hướng không gian cho nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.

Quy hoạch đã tối ưu hóa, bảo đảm tính khả thi, bền vững trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển; xác định hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường, đảm bảo định hướng phát triển bền vững, dài hạn. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương; khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh, vùng huyện, vùng liên huyện, liên tỉnh gắn với các hành lang kinh tế và trục động lực; tăng cường khả năng liên kết và hội nhập…

* Tỉnh tiếp tục xác định kinh tế cửa khẩu là động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết, định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu trong thời gian tới?

- Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và định hướng đến năm 2030, phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động; trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế. Lạng Sơn xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu” tiên tiến nhất ASEAN, phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, cửa khẩu thông minh, là “mô hình điển hình” cho vận tải đường bộ của Việt Nam, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay.

Cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng hướng tới cung cấp chính các dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại, tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN. Cửa khẩu Chi Ma trở thành cửa khẩu quốc tế, đóng vai trò là trung tâm kho vận, chợ đầu mối về vật liệu xây dựng, logistics, cung ứng và phân phối đơn hàng thương mại điện tử của tỉnh. Cửa khẩu Tân Thanh phát triển theo hướng trở thành trung tâm chế xuất nông sản và tiêu thụ hàng nông sản cho Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc. Cửa khẩu Cốc Nam sẽ là khu kinh tế thương mại, dịch vụ biên giới đáp ứng mặt bằng các công trình dịch vụ công cộng, sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, chế biến hàng hoá nông sản xuất, nhập khẩu, dịch vụ thương mại, kho ngoại quan...

Hiện UBND tỉnh đã hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Với mô hình này, Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4 - 5 lần so với thời điểm hiện tại; giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu…

Đến năm 2050, phát triển các Khu Kinh tế cửa khẩu theo hướng không chỉ là một khu vực kinh tế cung cấp đa dạng dịch vụ về thương mại và hậu cần mà còn phát triển các đô thị với kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, không bị giới hạn ở các hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Các cửa khẩu phát triển theo hướng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam.

* Ông có thể phân tích, làm rõ thêm về định hướng phát triển kinh tế theo mô hình 1 trục phát triển, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng kinh tế - xã hội, được đưa ra trong quy hoạch của tỉnh, thưa ông?

- Trong quy hoạch, Lạng Sơn xác định trục phát triển kinh tế Đồng Đăng - Hữu Lũng gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam chạy dọc theo tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị qua thành phố Lạng Sơn mở rộng, các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, kết nối với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội, theo tuyến Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Đây là trục phát triển xương sống, giữ vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh xác định 2 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Cao Lộc (thuộc thành phố Lạng Sơn mở rộng) - Văn Lãng - Tràng Định (dọc theo tuyến quốc lộ 4A, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, kết nối với tỉnh Cao Bằng) tập trung phát triển các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông - lâm nghiệp và du lịch của vùng kinh tế phía Tây; tăng cường kết nối và nâng cao vị thế kết nối vùng cho Lạng Sơn. Hành lang kinh tế thành phố Lạng Sơn mở rộng - Lộc Bình - Đình Lập (dọc theo quốc lộ 4B, cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, kết nối vùng kinh tế phía Đông tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh), ưu tiên phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ vận tải - logistics và các khu, cụm công nghiệp, vùng sản xuất nông - lâm nghiệp cho vùng kinh tế phía Đông.

Tỉnh cũng hoạch định 3 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng kinh tế động lực gồm thành phố Lạng Sơn mở rộng, các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế đô thị, dịch vụ logistics, vận tải, thương mại, du lịch, công nghiệp. Vùng kinh tế phía Đông gồm các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, định hướng phát triển nông, lâm nghiệp, cung ứng nguồn nguyên cho ngành công nghiệp chế biến; phát triển công nghiệp khai khoáng (than, nhiệt điện), năng lượng tái tạo (điện gió), công nghiệp chế biến nông lâm sản. Vùng kinh tế phía Tây gồm các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định - vùng trọng tâm phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến nông lâm sản; ưu tiên phát triển kinh tế xanh, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, thủy điện)…

Việc lựa chọn này xuất phát từ thực tiễn, gắn với điều kiện cụ thể của Lạng Sơn về mặt địa hình, tiểu vùng, khí hậu, tiềm năng phát triển của từng địa phương, vùng. Mục tiêu hướng tới là tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong mỗi vùng nhằm đưa ra chính sách, có giải pháp tác động để phát huy thế mạnh về tiềm năng, lợi thế mỗi vùng, phục vụ phát triển chung. Tỉnh mong muốn, hội nhập với phía Bắc, tranh thủ thị trường rộng lớn của Quảng Tây nói riêng, Trung Quốc nói chung; kết nối với phía Nam, liên kết phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và du lịch với các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ.

* Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030 có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Vậy ông có thể cho biết, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để đạt được mục tiêu đề ra?

- Trên cơ sở những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được trong giai đoạn vừa qua cũng như tiềm năng, thế mạnh địa phương, tỉnh mạnh dạn đặt mục tiêu đến năm 2030, Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch trở thành động lực tăng trưởng chính; hướng tới trở thành tỉnh có nền kinh tế hiện đại, năng động, trở thành một nền kinh tế “xanh”, phát triển nhanh ở khu vực phía Bắc.

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, tỉnh sẽ triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; bám sát định hướng, các trụ cột phát triển, giải pháp, ưu tiên đã được hoạch định trong quy hoạch tỉnh. Lạng Sơn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn lực từ ngân sách đầu tư hạ tầng, phát triển các ngành, lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên của tỉnh.

Tỉnh chú trọng các ngành, lĩnh vực chính đó là: Phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm phát huy lợi thế; phát triển công nghiệp và hiện nay đang đẩy mạnh thành lập các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, hướng tới tăng thu cho ngân sách cũng như thúc đẩy các ngành, nghề khác phát triển. Cùng với đó, Lạng Sơn khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, di dích văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung, nâng cao đời sống nhân dân. Tỉnh quan tâm phát triển kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn gắn với lợi thế của từng địa phương.

Đặc biệt, tỉnh phát triển nguồn nhân lực, vì hiện nay không chỉ dân số không đông mà chất lượng nguồn nhân lực của địa phương chưa cao. Do vậy, việc đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới là hết sức quan trọng. Lạng Sơn tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững...

* Trân trọng cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu!

Vũ Văn Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm