Lạng Sơn hướng đến bước phát triển mới, nâng cao chất lượng du lịch

Ngày 24/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức gặp mặt, làm việc với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tìm giải pháp phát triển du lịch.

vna_potal_hoi_nghi_gap_mat_doanh_nghiep_ho_kinh_doanh_linh_vuc_van_hoa_the_thao_va_du_lich_tren_dia_ban_tinh_lang_son_nam_2024_7393150.jpg
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn điều hành Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân khẳng định, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy ngành Du lịch, dịch vụ địa phương phát triển. Từ các ý kiến, kiến nghị, giải pháp của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực này, Sở sẽ cùng cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh du lịch, dịch vụ thuận lợi, hướng đến mục tiêu tạo bước phát triển mới, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, dịch vụ, thu hút khách.

Những năm qua, Lạng Sơn đã chủ động, quan tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh đã liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương; đồng thời tập trung nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, mời gọi một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển du lịch. Việc đầu tư xây dựng mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi để khai thác các tiềm năng và phát triển các tuyến, điểm du lịch. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Các di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo kịp thời. Một số sản phẩm du lịch của tỉnh đang khẳng định thương hiệu. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú…

Năm 2023, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn đạt gần 4 triệu lượt, tăng 11,9% so với năm 2022. Dù vậy, thực tế cho thấy, du lịch Lạng Sơn còn nhiều khó khăn. Sản phẩm du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Sản phẩm du lịch cộng đồng tuy đã hình thành, bắt đầu phát huy hiệu quả, nhưng chưa thực sự đặc sắc, thiếu tính bền vững, chưa tạo được bản sắc và thương hiệu riêng. Sản phẩm du lịch biên giới, cửa khẩu, du lịch gắn với đường tuần tra biên giới chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng...

vna_potal_hoi_nghi_gap_mat_doanh_nghiep_ho_kinh_doanh_linh_vuc_van_hoa_the_thao_va_du_lich_tren_dia_ban_tinh_lang_son_nam_2024_7393138.jpg
Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Tại cuộc gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho rằng, để thu hút, giữ chân khách du lịch đến với Xứ Lạng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh cần ưu tiên nguồn vốn để đầu tư phát triển du lịch, nhất là hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, xây dựng điểm đến hấp dẫn, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn phát triển du lịch, dịch vụ; có cơ chế chính sách phù hợp đối với lĩnh vực này; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, khai báo tạm trú...

Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Expedition Phạm Văn Mạnh cho rằng, du lịch thám hiểm hang động ở Lạng Sơn có tiềm năng phát triển lớn, với rất nhiều hang động nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn. Các hang động ở đây có hệ thống thạch nhũ còn nguyên vẹn và độc đáo, gần như chưa bị tác động nhiều bởi con người, còn nguyên giá trị về bảo tồn. Đây là một lợi thế rất lớn để tỉnh tổ chức các tour du lịch thể thao mạo hiểm so với các địa phương khác.

Theo Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Du lịch Lạng Sơn Phạm Duy Khương, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, song tỉnh cần xác định rõ, tập trung đầu tư có trọng điểm, tạo điểm nhấn trên cơ sở nền tảng của tiềm năng, lợi thế vốn có về điều kiện tự nhiên, sự đa dạng về văn hóa của đồng bào các dân tộc, không làm du lịch, dịch vụ theo lối mòn, bắt trước các địa phương khác...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 52 điểm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cấp tỉnh đã được công nhận, tập trung ở các loại hình du lịch tâm linh, cộng đồng, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Toàn tỉnh có hơn 290 cơ sở, với trên 3.780 phòng lưu trú, trong đó hơn 420 phòng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. UBND tỉnh đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch lưu trú (homestay) trung bình đạt 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Anh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm