Lạng Sơn xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, thế mạnh của địa phương

Lạng Sơn xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, thế mạnh của địa phương

Ngày 2/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên chủ trì cuộc họp xem xét dự thảo Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh năm 2023 và dự thảo Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2386/QĐ-UBND ngày 8/12/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025”.

Lạng Sơn xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, thế mạnh của địa phương ảnh 1Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên đề nghị cần chỉnh sửa nội dung bố cục, bổ sung một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch trong kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh năm 2023 như: tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, đầu tư và hợp tác phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, thế mạnh của địa phương; phát triển nguồn nhân lực du lịch; công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực du lịch…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến của các ngành liên quan tại dự thảo Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025” để điều chỉnh cho phù hợp.

Trong quá trình thực hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan cần thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí được bố trí đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật.

Lạng Sơn xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, thế mạnh của địa phương ảnh 2Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Theo Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2022, đơn vị luôn chú trọng tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành Du lịch, đa dạng các loại hình du lịch… Do vậy, tổng lượng khách du lịch năm 2022 đạt 3,5 triệu lượt, vượt 1,16 % so với kế hoạch, tăng 115,66% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu từ du lịch đạt 2.100 tỉ đồng, đạt 80,77% kế hoạch, tăng 171,67% so với cùng kỳ.

Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh năm 2023 gồm 8 nội dung hoạt động với một số chỉ tiêu chủ yếu như: thu hút 3,760 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch đạt 2.850 tỉ đồng; toàn tỉnh có tổng số 320 cơ sở lưu trú với 3.900 buồng lưu trú, trong đó có 750 buồng đạt tiêu chuẩn 3 – 5 sao; tiếp tục triển khai kêu gọi, đầu tư các dự án du lịch, vốn đầu tư trên 13.000 tỉ đồng…

Đối với Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025”, sau hơn một năm triển khai, Ban Chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn nhận thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung để đáp ứng được 101 tiêu chí của UNESCO về Công viên địa chất toàn cầu.

Theo đề án trước đây với quy mô 5 huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn có diện tích tự nhiên là 3.845,8 km2; quy mô dân số là 375.656 người. Hiện, đề án được bổ sung mở rộng phạm vi nghiên cứu của Công viên địa chất Lạng Sơn đến khu vực núi Mẫu Sơn và Mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình; do vậy nâng quy mô lên 6 huyện với diện tích tự nhiên là trên 4.832 km2 và 461.741 người. Cùng với đó, đề án cũng cần điều chỉnh một số nội dung về đào tạo, nâng cao nhận thức cộng đồng; hệ thống bảng biển thuyết minh; kinh phí tổ chức thực hiện…

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã phát biểu thảo luận làm rõ một số nội dung trong các dự thảo báo cáo, kế hoạch, quyết định như: công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch; điều chỉnh dự toán kinh phí xây dựng công viên địa chất toàn cầu.

Thái Thuần

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm