Nghề thu nhập ổn định Cửa biển Sông Đốc là cửa biển lớn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có đoàn tàu khai thác thủy sản đông nhất ở khu vực này. Từ lợi thế đó, thị trấn Sông Đốc có nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành nghề chế biến thủy hải sản. Và nghề làm khô cá, mực tại đây cũng rất phát triển, có gần 40 cơ sở chế biến cá khô biển, chủ yếu là khô mực và được hình thành từ rất lâu đời. Nhiều cơ sở chế biến sản phẩm khô đưa đi tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Làng nghề khô cá mực tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương . Ảnh: Nguyễn Lê
|
Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết, cửa biển Sông Đốc có hơn 30.000 dân nhưng có đến gần 50% là dân tạm trú. Người dân tứ xứ đổ về đây mưu sinh bằng nghề biển như: làm ngư phủ, làm khô biển, mua bán. “Công việc ở làng nghề phù hợp với những lao động nhàn rỗi. Chỉ đơn thuần là lao động chân tay, phân loại cá, mực, phơi, sắp xếp, đóng gói các sản phẩm theo yêu cầu của chủ cơ sở. Tính ra, mỗi ngày họ cũng được thu nhập từ 120.000 - 250.000 đồng. Tùy mùa cao điểm hay không. Đây là thu nhập khá ổn định cho người lao động”, ông Hiền cho hay.Bí quyết phơi khô mùa mưa Mùa nào thức nấy, thuyền về với mực, cá đầy khoang nhanh chóng được người ở các cơ sở chế biến đến lấy để mang về chế biến ngay. Khô ở Sông Đốc rất đa dạng gồm khô cá khoai, cá lưỡi trâu, cá hố, cá lù đù, tôm khô. Nhưng làng nghề ở đây nổi tiếng nhất vẫn là khô mực. Do giá trị khô mực cao hơn gấp nhiều lần so với mực tươi và khô mực bảo quản được lâu nên nhiều cơ sở chế biến khô biển ở Sông Đốc làm mặt hàng này. Một điều đặc biệt là khô mực Sông Đốc rất nổi tiếng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Khô mực nơi đây thơm, mềm, ngon, ngọt, vị đậm đà hơn khô mực ở vùng biển khác nhờ những con mực tươi sống vừa câu từ biển lên được xẻ, phơi ngay. Hầu hết các loại cá, mực tươi nguyên liệu đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Cá, mực… đưa từ thuyền về, được chế biến ngay nên đảm bảo độ tươi, ngon . Ảnh: Nguyễn Lê |
Ðể làm ra được 1 kg khô phải tốn trung bình khoảng 4 kg cá tươi và phải phơi từ 2 - 3 nắng mới ra thành phẩm. Ðể có sản phẩm được người tiêu dùng vừa ý, khô có mùi vị thơm ngon, sạch sẽ, đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm, thì người làm phải có kinh nghiệm từ khâu chọn cá, mổ cá, ướp cá cho đến đem phơi; trong đó quan trọng nhất là kỹ thuật ướp muối, nếu mặn mùi vị sẽ mất ngon, còn nhạt thì thịt sẽ bủn, mất độ dai. Mỗi người làm khâu nào đều phải có kỹ năng riêng. Như người phụ trách việc hấp cá, đòi hỏi nhanh tay, thạo việc vì có cá lớn, cá nhỏ, phải hấp đủ từ 2 - 4 phút. Nếu chậm trễ, cá thấm nhiều muối mặn, mất ngon. Cá khô thành phẩm trước khi được đóng thùng, công nhân sàng sảy cá khô thật sạch và phân loại. Mùa nắng phơi khô dễ, sau khi thu mua mang về đánh vẩy, bỏ ruột. Sau đó rửa sạch và ngâm nước muối khoảng 1 đêm, khi cá thấm đủ mặn thì mang đi rửa lại, để ráo, rồi chất lên vỉ đem phơi 2 nắng (2 ngày).
Khô biển Sông Đốc đa dạng và có sức cạnh tranh cao. Ảnh: Nguyễn Lê |
“Nhưng vào mùa mưa thì khó hơn nhiều. Nếu không có nắng, cá cũng được làm sạch rồi muối nhưng chưa phơi liền mà được bảo quản trong tủ đông hoặc thùng đá cho đến khi nào có nắng mới mang ra phơi. Nếu lúc phơi trời lại có mưa hoặc không đủ nắng thì bắt buộc phải đem cá cho vào tủ đông, chờ nắng. Thời gian trữ cá trong tủ đông được tối đa khoảng 1 tuần. Đồng thời, lưu ý trong mùa mưa, cá phải được đảm bảo làm sạch và muối đủ muối”, chị Loan cho hay. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, làng nghề khô biển Sông Đốc cũng chế biến thêm nhiều mặt hàng mới như: mực một nắng, mực trứng, cá khô đuối một nắng, khô tôm tít… Nhiều mặt hàng đa dạng và có nhiều sạp khô được mở ra, người tiêu dùng càng có thêm nhiều sự lựa chọn, nên khô biển làm ra ở Sông Đốc có sức cạnh tranh cao, lúc nào cũng hoạt động nhộn nhịp.
Theo langvietonline.vn