Đến huyện Mèo Vạc những ngày này không chỉ thấy vẻ đẹp của loài hoa tam giác mạch mà còn thấy trên các triền núi đá một màu tím biếc của loài hoa dại mang tên "bạc hà", đây cũng là thời điểm vào vụ mật ong bạc hà trên cao nguyên đá Đồng Văn. Mùa vụ khai thác mật ong bạc hà thường kéo dài khoảng 4 tháng cuối năm (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch).
Mùa vụ thu hoạch mật ong bạc hà thường kéo dài khoảng 4 tháng (từ tháng 9 cho đến tháng 12 âm lịch). Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN |
Thăm mô hình nuôi ong lấy mật mùa hoa bạc hà của gia đình anh Sùng Mí Nô, một trong những hộ dân có thâm niên nuôi ong ở thôn Sủng Pờ A, xã Sủng Trà, huyện Mèo Mạc (Hà Giang), anh cho biết trước đây gia đình chỉ nuôi ong theo kiểu tự cung tự cấp, nhưng nay gia đình anh cũng như nhiều hộ gia đình trong thôn, xã đã biết mở rộng quy mô nuôi ong để phát triển kinh tế. Việc phát triển đàn ong và sản phẩm mật ong bạc hà ngày càng giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. "Ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi 20 đàn ong, khi thấy lợi nhuận cao đã tăng lên 50 đàn, trừ chi phí gia đình cũng có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/vụ từ mật ong", anh Nô chia sẻ. Ông Lương Đình Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Trà cho biết, trong mấy năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, xã Sủng Trà đã triển khai cho nhiều hộ gia đình vay vốn để mở rộng và phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, số lượng đàn ong liên tục tăng, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ nuôi ong bạc hà.
Một điểm nuôi ong lấy mật. Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN |
Ông Lục Văn Dương, hội viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là một điển hình làm giàu từ nuôi ong. Mùa vụ hoa bạc hà năm nay gia đình ông có 300 đàn, mỗi đàn cho khoảng 5 lít mật/vụ, trừ chi phí, thu nhập bình quân ước đạt trên 200 triệu đồng/vụ. Năm 2018, sản lượng mật ong bạc hà trên địa bàn huyện Mèo Vạc là 58.400 lít, với giá bán từ 400.000 - 500.000 đồng/lít, tổng giá trị đạt trên 26 tỷ đồng. Theo ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang), huyện có khoảng 17.000 đàn ong, tập trung chủ yếu tại các xã Xín Cái, Thượng Phùng, Lũng Pù, Lũng Chinh, Sủng Máng, Giàng Chu Phìn, Pả Vi, Sủng Trà và Tả Lủng. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020 tổng đàn ong của huyện Mèo Vạc sẽ lên đến khoảng 20.000 đàn.
Thu hoạch mật ong. Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN |
Để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm mật ong bạc hà, huyện Mèo Vạc hiện có 3 hợp tác xã chủ lực trong sản xuất, kinh doanh và bao tiêu sản phẩm mật ong bạc hà. Đến nay, tổng diện tích cây bạc hà đã được quy hoạch tại 13/18 xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc với diện tích 2.922 ha. Những năm gần đây, diện tích hoa bạc hà giảm đã ảnh hưởng đến sản lượng mật ong. Do vậy, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân bảo vệ diện tích hoa bạc hà. Đặc biệt, Hội nuôi ong huyện Mèo Vạc đã thống nhất trích 30 nghìn đồng/đàn ong nhằm xây dựng Quỹ hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng nguyên liệu.
Nguyễn Chiến