|
Mô hình nuôi chim bồ câu của ông Thanh. |
Năm 1975, ông Thanh theo học Trường Công nhân kỹ thuật lương thực I tại Vĩnh Phúc. Sau khi ra trường, ông công tác tại Công ty Lương thực Cao Bằng. Năm 1995, ông Chu Trần Thanh bắt đầu tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế tại gia đình. Ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt đẻ trứng; mua máy xát để phục vụ nhu cầu xay xát cho các hộ dân trong xóm. Thời gian đầu mới chăn nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên lợn thường ốm yếu, bệnh tật. Ông chịu khó tìm hiểu kiến thức chăn nuôi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của xã, huyện để nâng cao kiến thức, kỹ năng chăn nuôi, từ đó từng bước phát triển tốt đàn lợn, gà, đem lại hiệu quả kinh tế. Năm 2006, ông đầu tư hơn 30 triệu đồng mở rộng thêm 100 m2 chuồng trại nuôi hơn 40 con lợn mỗi năm, hơn 100 con gà, vịt... Năm 2007, ông tìm hiểu thấy nuôi chim bồ câu có hiệu quả, dễ chăm sóc nên nhập mấy chục đôi về nuôi thử. Theo ông Thanh, ưu điểm lớn nhất của nuôi chim bồ câu là không cần quá nhiều diện tích, đầu tư ban đầu không cao. Chỗ ở cho chim bồ câu chỉ cần thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Mỗi ngày cho chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là thóc, ngô, bột kích đẻ. Bồ câu giống sau khi mua về khoảng 5 - 7 tháng bắt đầu đẻ trứng, sinh sản hầu như quanh năm. Trung bình một cặp chim bố mẹ có thể sinh sản trong 5 - 7 năm. Chim bồ câu con sinh trưởng nhanh, từ khi đẻ cho đến khi bán từ 40 ngày trở lên.
Hiện nay, ông nuôi hơn 100 đôi chim bồ câu ta, gần 50 đôi bồ câu Pháp. Hằng tháng ông bán giao 10 - 20 đôi chim cho các nhà hàng tại Thành phố với giá 120.000 - 130.000 đồng/đôi, nhiều khi không có đủ để cung cấp ra thị trường. Với khu chuồng trại rộng hơn 100 m2, có đầy đủ máng ăn, vòi nước tự động, ông nuôi 7 lợn nái, 2 - 3 lứa lợn thịt mỗi năm, mỗi lứa 30 - 40 con, thu khoảng 10 tấn lợn hơi, thu nhập hơn 40 triệu đồng. Đàn gà, vịt, ngỗng nuôi hơn 400 con, cho thu nhập trên 20 triệu đồng/năm. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng.
Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Thanh là hướng đi hiệu quả cho các hộ nông dân trong xã Nam Tuấn và huyện Hòa An noi theo, góp phần giảm nghèo ở địa phương.