Lâm Đồng có nhiều giải pháp cấp nước an toàn, ứng phó với mùa khô hạn

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có ý kiến chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh tăng cường thực hiện các giải pháp cấp nước an toàn, ứng phó với nguy cơ hạn, thiếu nước. Lâm Đồng là tỉnh có mùa khô kéo dài tới 6 tháng, nên thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn, cần có những giải pháp phù hợp để thích ứng với điều kiện tự nhiên.

Cụ thể, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND của 10 huyện và 2 thành phố được yêu cầu tăng cường tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, sử dụng tiết kiệm nước nhất là trong những giai đoạn cao điểm mùa khô; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn, dự báo về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước.

Các đơn vị vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước, ưu tiên nguồn nước cho việc sản xuất, cung cấp nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt của người dân; chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp dự phòng nguồn nước, tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước giữa các nhà máy, công trình cấp nước; ưu tiên nguồn lực đầu tư bể dự trữ, công trình tích nước trên hệ thống cấp nước nhằm đảm bảo nguồn cung, cấp nước phục vụ mục đích sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, các đơn vị vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi chỉ đạo các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh lập, thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, quản lý rủi ro; xây dựng quy trình, kế hoạch sẵn sàng ứng phó khí có sự cố hạn hán, mất an ninh, an toàn cấp nước trên địa bàn quản lý; kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc

Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị cấp nước, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, thủy điện, cơ quan có liên quan nghiên cứu, rà soát, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền quy định.

UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc được giao nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình cấp nước trên địa bàn quản lý thường xuyên theo dõi nguồn nước, chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước đảm bảo khai thác, vận hành sử dụng nước nước tiết kiệm, hiệu quả đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của nhân dân, nhất là vào thời kỳ cao điểm của mùa khô; chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn, đơn vị trực, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế của từng thời điểm, từng địa bàn.

Theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 bắt đầu bước vào mùa khô, dự báo hiện tượng El Nino xảy ra với xác suất khoảng 85-95%, tổng lượng mưa đạt thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 15%, dòng chảy sông, suối thấp hơn trung bình nhiều năm từ 8 đến 40,5%. Từ tháng 2 - 4/2024 vào cao điểm mùa khô, trạng thái El Nino tiếp tục duy trì, thời gian không mưa có khả năng kéo dài trên diện rộng, dòng chảy sông, suối thấp hơn trung bình nhiều năm.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 31/12/2023, dung tích trữ trong các hồ thủy điện, thủy lợi lớn còn khoảng 90% so với thiết kế, mực nước trong hồ thủy lợi phổ biến thấp hơn so với mực nước dâng bình thường từ khoảng 0,1 đến gần 1 m, đối với các hồ thủy điện thấp hơn từ 2 đến gần 3 m.

Trong khi đó, diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi vẫn còn khá lớn nên luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra hạn hán nếu trời không mưa và nắng nóng kéo dài. Cảnh báo khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra ở mức trung bình đến mức cao…

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm