Tân Uyên là huyện miền núi tỉnh Lai Châu với 10 dân tộc sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm đa số, hơn 49%. Cùng với ẩm thực, trang phục độc đáo hay những điệu xòe xao xuyến lòng người thì nghề đan lát truyền thống của người Thái nơi đây cũng tạo nên những nét văn hóa đặc sắc riêng biệt và được lưu giữ cho đến ngày nay.
Tới bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (Lai Châu), mới thấy nhiều gia đình đồng bào Thái nơi đây vẫn còn gìn giữ được nghề đan lát truyền thống. Rất nhiều gia đình đều sắm hoặc tự đan cho mình một vài vật dụng từ mây, tre. Gia đình ông Hà Văn Lăm từ lâu đã lưu giữ nghề đan lát của đồng bào, với nhiều vật dụng được đan lát thủ công, từ mâm ăn cơm, cái giỏ đều do ông Lăm tự làm chứ không phải đi mua.
Ông Hà Văn Lăm chia sẻ, trong gia đình người Thái, việc đan lát là việc của đàn ông. Do đó, từ bé đã được bố, mẹ dạy cho cách đan những vật dụng trong gia đình, các vật dụng từ đơn giản đến phức tạp ông đều biết đan và thực hiện một cách thuần thục.
Trong mỗi gia đình người Thái đều không thể thiếu chiếc mâm. Vừa nói chuyện, hai bàn tay ông vẫn thoăn thắt dùng sợi dây mây mềm mại và chiếc dùi nhỏ để đan mâm. Mâm thường có 3 phần, mặt, vành và chân mâm được cố kết chặt chẽ. Mặt mâm có hình tròn, đây là phần khó đan nhất, các nan dùng để đan mặt mâm phải được chẻ đều, vót mịn, se đều tay để khi uốn các nan thành hình hoa văn thì mặt mâm vẫn mịn, khít, đẹp. Phần thứ 2 là vành mâm được đan bằng dây mây, việc đan vành mâm tương đối khó bởi đây là phần để giữ cho các nan không bị xô khi sử dụng và nhất là an toàn cho người dùng song phải tạo được nét mềm mại, thẩm mỹ. Do đó, vành mâm thường được bà con đan theo kiểu vắt nan bắt chéo đều nhau thành hình đuôi sam chạy vòng quanh hình vành nón.
Cuối cùng là chân mâm, để làm chân mâm vững chắc cần chọn những nan tre già, thường là phần ở gốc cây tre, chẻ thành nan có chiều rộng đều nhau, chiều cao khoảng 20-30 cm. Sau đó dùng dây mây đan chéo các nan tre lại với nhau tạo thành hình hoa văn 4 cánh. Để hoàn thiện một chiếc mâm thì ngoài khâu chuẩn bị vật liệu cũng phải mất khoảng 5 ngày đến 1 tuần mới đan xong. Tuổi thọ tùy thuộc vào chất lượng nguyên vật liệu và tay nghề của người đan, có những chiếc mâm sử dụng được trên 20 năm, thậm chí lâu hơn thế, giá một chiếc mâm hiện nay có giá từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng.
Theo già làng người Thái, nghề đan lát là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào, để đan được những vật dụng dùng trong gia đình như gùi, rổ, rá, mâm, ghế, đó, nơm được đan rất công phu, tỷ mỉ. Để có sản phẩm đan lát đẹp, bền thì việc chọn nguyên liệu rất quan trọng, cần kỹ càng, tuy sẵn có nhưng phải biết lấy những cây tre, nứa, giang không già quá, không quá non, không cụt ngọn, khi mang về nhà cũng không để lâu quá vì cây khô, mọt sẽ khó chẻ nan và cũng không giữ được độ dẻo thích hợp, khi uốn nan dễ bị gẫy.
Tiếp đó, tre được cắt khúc từng đoạn, sau đó chẻ nan và vót tre làm sao phù hợp với từng loại sản phẩm, hầu hết nan che có chiều rộng khoảng 1-2 cm, chiều dài từ 30 - 50 cm. Các nan tre được chẻ và vót khá đều nhau, trước khi đan thường được ngâm nước để tăng độ dẻo. Kỹ thuật đan của đồng bào Thái khá đa dạng ô vuông, ngang, dọc, đan bắt chéo… Mỗi sản phẩm muốn bền đẹp phải mất ít nhất vài ba ngày, thậm chí những sản phẩm phức tạp có khi mất cả tháng trời. Sau khi hoàn thiện, bà con thường gác trên bếp hun khói khoảng 1 tháng, giúp đồ vật bền hơn, tránh mối mọt. Ngoài yêu cầu kinh nghiệm, thợ đan lát còn phải khéo léo, công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn mới tạo thành sản phẩm như ý.
Ông Lò Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, toàn xã có 4 dân tộc sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 66%. Hiện xã có khoảng hơn 10 thợ đan giỏi, trung bình mỗi năm một thợ đan được 60-70 chiếc mâm. Nghề đan lát truyền thống không chỉ giúp đồng bào dân tộc Thái giữ được bản sắc dân tộc, mà còn giúp bà con có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Đặc biệt hiện nay việc sử dụng những sản phẩm từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, nhằm hạn chế sử dụng các loại rác thải nhựa, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, huyện Tân Uyên luôn xác định việc khôi phục và bảo tồn văn hóa đồng bào gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Trong số đó, huyện tập trung tuyên truyền, khuyến khích bà con mỗi gia đình có một người biết đan lát các vật dụng và sử dụng các vật dụng của đồng bào. Mặc dù có nhiều nỗ lực gìn giữ các nét văn hóa truyền thống, nhưng vẫn luôn gặp nhiều khó khăn bởi những người có kinh nghiệm đã cao tuổi, giới trẻ chưa mặn mà với học nghề.
Thời gian tới huyện Tân Uyên tiếp tục tuyên truyền tới đồng bào dân tộc Thái về tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc để người dân tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những sản phẩm truyền thống độc đáo. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến việc truyền nghề, dạy nghề cho những người trong độ tuổi lao động, thanh, thiếu niên để nghề đan lát không bị mai một.
Nguyễn Oanh