Kon Tum tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường học theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Học sinh lớp 1 Trường đi học trở lại. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN
Học sinh lớp 1 Trường đi học trở lại. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Kon Tum đã chú trọng sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh theo ba giai đoạn là 2017-2021, 2021-2025 và 2025-2030, với mục tiêu giảm từ 409 trường học xuống còn 291 trường.

Kon Tum tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường học theo hướng tinh gọn, hiệu quả ảnh 1Học sinh lớp 1 Trường đi học trở lại. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch số 3732/UBND-KTTH về sắp xếp giai đoạn 2 (2021-2025) và giai đoạn 3 (2025-2030) đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo trên địa bàn. Cụ thể, giảm 41/351 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trong giai đoạn 2, chiếm 11,68%; giảm thêm 19/310 đơn vị, chiếm 6,13% trong giai đoạn 3. Qua đó, hoàn thành mục tiêu giảm 28,85% trong cả 3 giai đoạn.

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức sắp xếp đồng bộ mạng lưới các cơ sở giáo dục và điểm trường lẻ của các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông theo hướng bố trí hợp lý các mô hình trường; sáp nhập các đơn vị trường học có quy mô quá nhỏ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương nhằm giúp nâng cao chất lượng dạy và học.

Chính quyền các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thực hiện việc sắp xếp giai đoạn 2,3 đối với các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền của địa phương; đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc điều chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới trường học. Từ đó, tạo đồng thuận trong các cấp, ngành, đội ngũ giáo dục, tránh gây bức xúc cho dư luận và nhân dân.

Trước đó, trong giai đoạn 1 (2017-2021), ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã thực hiện sáp nhập 116 trường học thành 58 trường trên địa bàn.

Thành phố Kon Tum đã sáp nhập 32 trường thành 16 trường; huyện Đăk Glei thực hiện sáp nhập còn 4 trường; Kon Rẫy 1 trường; Đăk Tô 5 trường; Đăk Hà 7 trường; Ngọc Hồi 3 trường; Sa Thầy 8 trường; Ia H’Drai 3 trường; Tu Mơ Rông 7 trường; Kon Plông 3 trường; Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Kon Tum và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Kon Tum (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo) đã thực hiện việc sáp nhập thành 1 trường.

Thành phố Kon Tum là đơn vị thực hiện sáp nhập nhiều trường học nhất khi giảm từ 73 trường công lập (năm học 2017-2018) xuống còn 57 trường (năm học 2021-2022), chiếm 21,9%.

Ông Thái Khắc Hòa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum cho biết, việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã giúp mạng lưới trường, lớp học được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của địa phương. Việc sáp nhập các đơn vị góp phần tinh giản đầu mối trường học theo chủ trương của tỉnh và thành phố; tránh tình trạng mạng lưới trường học nhỏ lẻ, gây lãng phí về nhân sự, cơ sở vật chất.

Sau sáp nhập, mỗi trường có hai cấp học chỉ còn một hiệu trưởng quản lý chung, các phó hiệu trưởng làm công tác chuyên môn; số lượng nhân viên được thu gọn hơn. Công tác bố trí đội ngũ giáo viên được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum sử dụng hiệu quả, thuận lợi hơn. Qua đó, góp phần tinh giản tổ chức bộ máy, giảm dần nhu cầu bổ sung biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, sau giai đoạn 1, toàn Kon Tum còn 351 trường học. Các đơn vị ngay sau khi sắp xếp, sáp nhập đã ổn định, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Việc tổ chức giảng dạy, học tập, hoạt động giáo dục vẫn thực hiện theo từng cấp học; cấp học nào vẫn ở cơ sở cấp học đó nên điều kiện đi đến trường, duy trì sĩ số học sinh không bị ảnh hưởng. Chất lượng dạy và học của cấp học trong các trường sáp nhập ổn định.

Do không có sự xáo trộn địa điểm học, việc sử dụng cơ sở vật chất phòng học, bộ môn được các trường tiếp tục sử dụng theo cấp học. Công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất sau khi sắp xếp được nhà trường đảm bảo, đáp ứng được việc dạy và học như trước khi sáp nhập.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm